Thứ Ba, Ngày 15 tháng 04 năm 2025,
Phát triển xanh và quá trình chuyển đổi công bằng
Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng cho mọi người dân, thông qua việc cải thiện chính sách.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) Việt Nam 2025, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 16 - 17/4, chúng ta được nhắc nhở rằng, những chuyển đổi lớn nhất trong lịch sử không chỉ đến từ tham vọng táo bạo, mà còn từ tầm nhìn chung bắt nguồn từ sự công bằng và cơ hội cho tất cả mọi người.

Đối với Việt Nam, đây là một thời điểm quyết định. Con đường hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 không chỉ là về khí thải và năng lượng, mà còn là về con người và về việc tạo ra một quá trình chuyển đổi công bằng - quá trình trao quyền cho mọi công dân để phát triển trong kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng xanh và kỹ thuật số.

Những khát vọng của Việt Nam vừa truyền cảm hứng, vừa cấp bách. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế thu nhập cao. Tuy nhiên, hành trình này không chỉ là về kinh tế, mà phải bao trùm và công bằng. Một quá trình chuyển đổi công bằng đảm bảo rằng, người lao động không bị bỏ lại phía sau trong các mỏ than và nhà máy; các doanh nghiệp nhỏ không bị loại khỏi nền kinh tế xanh và kinh tế số; phụ nữ, thanh niên và các nhóm dễ bị tổn thương không chỉ được bảo vệ, mà còn được hỗ trợ.

Đây không chỉ là điều đúng đắn cần làm, mà còn là nền kinh tế thông minh. Có nhiều lợi ích tiềm năng từ việc đầu tư vào các chính sách xanh. Tại Việt Nam, tiềm năng là rất lớn.

Việt Nam đã thể hiện sự lãnh đạo đáng chú ý. Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một tuyên bố chính trị mang tính bước ngoặt, huy động 15,5 tỷ USD từ các quỹ công và tư để giúp đất nước chuyển đổi từ than đá, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng và ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi thay đổi này. Các chiến lược quốc gia về kinh tế số, tăng trưởng xanh và cải cách bảo trợ xã hội phản ánh sự hiểu biết sâu sắc rằng, quá trình chuyển đổi phải có tính bao trùm theo mục đích.

Tại UNDP, chúng tôi tự hào đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này. Là cơ quan hỗ trợ Ban thư ký JETP, UNDP hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường phối hợp với các đối tác, mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân để huy động tài chính bền vững.

Chúng tôi đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam bản địa hóa Chương trình Tăng tốc toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội cho các quá trình chuyển đổi công bằng, đảm bảo công bằng xã hội là trọng tâm của quá trình chuyển đổi kinh tế…

Chúng tôi biết rằng, quản trị là vấn đề quan trọng. Niềm tin vào các thể chế công là nền tảng của phát triển toàn diện. Thông qua các sáng kiến như PAPI, cuộc khảo sát về quản trị và hành chính công lớn nhất tại Việt Nam, UNDP đang giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của công dân trong quá trình chuyển đổi công bằng do người dân làm chủ.

Việt Nam có những yếu tố cần thiết như dân số năng động, chính phủ có tầm nhìn xa, một hệ sinh thái ngày càng phát triển của những người đổi mới sáng tạo, doanh nhân. Câu hỏi đặt ra trước mắt không phải là Việt Nam có thể dẫn đầu trong việc xây dựng một tương lai công bằng và bền vững hay không, mà là chúng ta sẵn sàng cùng nhau đi bao xa và nhanh đến mức nào.

Sự thành công của tầm nhìn này phụ thuộc vào khả năng biến chính sách thành tiến bộ, như đảm bảo rằng công nhân khai thác than ở Quảng Ninh có cơ hội thực sự trong việc được đào tạo lại và tái tuyển dụng; phụ nữ ở vùng nông thôn có thể tiếp cận các công cụ số và việc làm xanh; người lao động không chính thức có thể tiếp cận các chính sách bảo trợ xã hội và nâng cao kỹ năng.

Biện pháp mạnh mẽ nhất để biến chính sách thành tiến bộ thực sự là biến chuyển đổi công bằng thành động lực cho sự trao quyền, chân giá trị và cơ hội. Điều đó có nghĩa là, phải đảm bảo để đổi mới sáng tạo được phát triển mạnh mẽ ở mọi ngôi làng, chứ không chỉ ở các trung tâm đô thị; hành động vì khí hậu mang lại sinh kế có giá trị, chứ không chỉ là các mục tiêu; nền kinh tế xanh và kinh tế số không bỏ lại ai ở phía sau.

Thế giới ngày nay phải đối mặt với những thách thức mới và những trở ngại kinh tế ngày càng gia tăng. Chuyển đổi công bằng không phải là một con đường vòng, mà là con đường phía trước. Đó là chất xúc tác có thể biến sự gián đoạn thành cơ hội và biến tham vọng thành tác động lâu dài. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Việt Nam trên con đường đó, để hướng tới một quốc gia công bằng hơn, toàn diện hơn và sẵn sàng cho tương lai.

Thách thức lớn khi đẩy mạnh đầu tư phát triển xanh
Nếu không có cơ chế, chính sách hiệu quả cho công tác thu gom, xử lý rác thải, thì rất khó đạt được mục tiêu về kinh tế tuần hoàn và giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư