Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Phiên 10/10: Cầu bắt đáy tham chiến, VN-Index thoát phiên giảm sâu
 
Áp lực bán gia tăng ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều 10/10 khiến VN-Index cắm đầu đi xuống. Tuy nhiên, thị trường đã thoát khỏi phiên giảm sâu nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng tại ngưỡng 990 điểm.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 10/10
Diễn biến VN-Index phiên ngày 10/10

Trong phiên sáng, VN-Index tiếp tục có thêm một lần thử thách với ngưỡng 1.000 điểm, nhưng giống như trong phiên hôm qua, chỉ số này lại bị đẩy ngược trở lại.

Trong phiên chiều, áp lực bán gia tăng ngay đầu phiên khiến VN-Index giảm theo chiều thẳng đứng. Khi nhiều nhà đầu tư nghĩ đến một kịch bản xấu VN-Index sẽ có phiên lao dốc như phiên cuối tuần trước thì bất ngờ lực cầu bắt đáy tại nhóm VN30 nhập cuộc khi VN-Index lùi về gần ngưỡng 990 điểm, giúp chỉ số quay đầu trở lại, hãm bớt đà giảm khi đóng cửa phiên hôm nay.

Chốt phiên, VN-Index giảm 2,23 điểm (-0,22%), xuống 993,96 điểm với 109 mã tăng và 175 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 191 triệu đơn vị, giá trị 4.343 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,5 triệu đơn vị, giá trị 578 tỷ đồng.

HNX-Index cũng có diễn biến tương tự khi bị đẩy thẳng đứng trong nửa đầu phiên chiều xuống 113,3 điểm trước khi bật trở lại, hãm bớt đà rơi.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,47%), xuống 113,76 điểm với 71 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,65 triệu đơn vị, giá trị 617 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,9 triệu đơn vị, giá trị 52,2 tỷ đồng.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, tích cực nhất là GAS khi tăng 1,42%, lên 121.000 đồng. Tiếp đến là SAB tăng 1,25%, lên 226.000 đồng, cùng VHM tăn nhẹ 0,13%, lên 80.100 đồng. Ngoài ra, còn có VIC và VCB đứng ở tham chiếu, dù VIC bị khối ngoại bán ròng khá mạnh.

Trong khi đó, các mã VNM, BID, TCB, CTG và MSN đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó MSN giảm mạnh nhất 3,98%, xuống 84.500 đồng, BID giảm 2,08%, xuống 35.350 đồng, còn lại đều giảm nhẹ dưới 1%.

Trong các mã bluechip khác, VJC tăng tốt 1,4%, lên 145.000 đồng, VRE tăng 1,78%, lên 40.000 đồng, MWG tăng 1,16%, lên 131.000 đồng, FPT tăng 1,34%, lên 45.300 đồng. Trong khi đó, BHN giảm 2,11%, xuống 88.100 đồng, các mã NVL, MBB, KDH giảm hơn 1%, còn lại cũng chỉ giảm nhẹ.

Về thanh khoản, MBB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với 11,2 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 1,3% xuống 22.750 đồng. Tiếp đến là STB với 9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,11%, xuống 13.400 đồng.

Trong các mã vừa và nhỏ, FLC là mã có giao dịch sôi động nhất với 8,65 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng nhẹ 1,05% lên 5.790 đồng.

Nổi sóng hôm nay phải kể đến KSH và HCD khi đóng cửa ở mức trần 2.020 đồng và 11.950 đồng với 1,98 triệu đơn vị và 1,53 triệu đơn vị. Cả 2 mã này đều còn dư mua giá trần.

Trong khi đó, TCM đóng cửa ở mức sàn 27.7500 đồng với 1,8 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. Tương tự là SJF khi đóng cửa ở mức sàn 17.450 đồng với 1,31 triệu dơn vị và cũng còn dư bán giá sàn.

Trên sàn HNX, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, VCS tăng giá khá tốt với 3,01%, lên 85.500 đồng, tiếp đó là VCG tăng 2,13%, lên 19.200 đồng, PVI tăng 1,2%, lên 33.800 đồng. Trong khi đó, PVS giảm 2,59%, xuống 22.600 đồng, VGC giảm 1,09%, xuống 18.200 đồng, ACB và SHB cũng đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không quá lớn.

Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 8,34 triệu đơn vị được khớp, PVS khớp 4,7 triệu đơn vị, ACB khớp 2,8 triệu đơn vị…

Trong khi đó, sàn UPCoM lại có diễn biến trái ngược khi chỉ số UPCoM-Index tăng khá tốt đầu phiên chiều, nhưng sau đó quay đầu đi xuống và đóng cửa phiên chỉ còn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,23%), lên 53,82 điểm với 74 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,97 triệu đơn vị, giá trị 318 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn.

Trên sàn này, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 3,46 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,63%, xuống 18.500 đồng. Tiếp đến là VGT với 1,9 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 2,27%, xuống 12.900 đồng. CDO bất ngờ nổi sóng với 1,88 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức trần 1.600 đồng, còn dư mua giá trần. POW cũng có được sắc xanh nhạt 1,3%, lên 15.500 đồng với 1,65 triệu đơn vị.

Thị trường chứng khoán: "Cá mập" ngoại liên tục lĩnh án
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động xử lý vi phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từ đầu năm đến nay, nhất là trong tháng 8 - 9/2018 là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư