Mặc dù thị trường đã giao dịch khởi sắc trở lại nhưng hầu như giới phân tích vẫn khá nghi ngờ về xu hướng tăng bởi nhà đầu tư vẫn chủ yếu đứng ngoài và dòng tiền chưa mấy nhập cuộc.

Chính vì vậy, thị trường đã trở lại rung lắc ngay trong phiên giao dịch sáng đầu tuần mới ngày 14/1 khi các trụ đỡ có dấu hiệu điều chỉnh. Diễn biến càng trở nên xấu hơn trong nửa cuối phiên sáng khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh sắc đỏ có phần chiếm áp đảo, nhiều mã bluechip cũng đua nhau quay đầu đã đẩy lùi VN-Index về dưới mốc 900 điểm.

Sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm. Dòng tiền suy yếu khiến thị trường khó có cơ hội ngóc đầu dậy. Chỉ số VN-Index diễn biến lình xình dưới mốc 900 điểm trong gần hết phiên giao dịch và bất ngờ được kéo bật lên trong đợt khớp ATC nhờ lực cầu gia tăng. Tuy chưa thể lấy lại sắc xanh nhưng đà giảm được thu hẹp đáng kể giúp VN-Index bảo toàn được ngưỡng kháng cự 900 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 162 mã giảm và 121 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,91 điểm (-0,1%) xuống 901,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 143,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.799 tỷ đồng, tăng 9,47% về lượng nhưng giảm nhẹ 1,5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Diễn biến VN-Index phiên 14/1
Diễn biến VN-Index phiên 14/1

Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 41 triệu đơn vị, giá trị 868,31 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 22,65 triệu đơn vị, giá trị hơn 317 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 3,5 triệu đơn vị, giá trị 117,25 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE có phần tích cực hơn như VIC và BID đã lấy lại mốc tham chiếu; GAS, SAB, MSN, TCB thu hẹp đà giảm đáng kể; còn VHM, VNM, VCB, CTG giao dịch trong sắc xanh.

Đáng kể là sự trở lại của VNM trong nửa cuối phiên chiều, với mức tăng 0,7% lên mức cao nhất ngày, 135.000 đồng/CP, ngoài ra VHM cũng có phần khởi sắc hơn khi tăng 0,9% lên 77.300 đồng/CP, là những mắt xích chính giúp VN-Index dành lại mốc 900 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, bên cạnh hầu hết những cao tên quen thuộc như KBC, QCG, ASM, ITA, HQC, TTF, DXG, PDR… đều đóng cửa trong sắc đỏ, FLC cũng chỉ còn nhích nhẹ với mức tăng 1,3% lên 5.390 đồng/CP nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Cổ phiếu mới gia nhập sàn HOSE là POW tiếp tục khởi sắc với mức tăng 4,7% lên 15.600 đồng/CP, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn mức giá đóng cửa trong phiên giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM (ngày 27/12/2018 tại 16.000 đồng/CP). Thanh khoản của POW khá tốt với hơn 5 triệu đơn vị được khớp lệnh, chỉ đứng ngay sau FLC.

Trên sàn HNX, ngay khi bước vào phiên chiều, HNX-Index đã nỗ lực tìm lại sắc xanh, tuy nhiên chỉ số này đã bị đẩy lùi mỗi lần tiếp cận mốc tham chiếu.

Kết phiên, HNX-Index giảm 0,29 điểm (-0,28%) xuống 101,58 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 27,65 triệu đơn vị, giá trị 293,63 tỷ đồng, tăng 20,32% về lượng và 7,76% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,52 triệu đơn vị, giá trị 83,61 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB bị đẩy về mốc tham chiếu 7.000 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu sàn HNX đạt 5,21 triệu đơn vị, trong khi đó ACB giảm 0,7% xuống 28.700 đồng/CP, VCS giảm 1,1% xuống 62.000 đồng/CP, PVS giảm 1,1% xuống 17.700 đồng/CP, NTP giảm 0,5% xuống 40.800 đồng/CP, PVB giảm 1,8% xuống 16.600 đồng/CP…

Trong khi đó, PVI tăng 0,9% lên 32.500 đồng/CP, VCG tăng 1,3% lên 23.400 đồng/CP, DGC tăng 0,2% lên 45.100 đồng/CP…

Trên UPCoM, đà giảm duy trì suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) xuống 53,14 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,59 triệu đơn vị, giá trị 125,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận gần 1 triệu đơn vị, giá trị 14,27 tỷ đồng.

Các mã lớn giao dịch thiếu tích cực như ACV, HVN, BSR, OIL, DVN, MSR…

Trong đó, BSR vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch 837.100 đơn vị và đóng cửa giảm 2,2% xuống mức 13.400 đồng/CP.