Bước sang phiên chiều, lực cung tiếp tục gia tăng, đẩy VN-Index lùi sâu về vùng 1.010 điểm. Tuy nhiên, từ vùng hỗ trợ này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc ở một số mã lớn, đẩy chỉ số hồi phục và bứt hẳn qua tham chiếu một cách ngoạn mục, đóng cửa trên ngưỡng 1.040 điểm, dù số mã giảm vẫn chiếm ưu thế.

Cụ thể, chốt phiên cuối tuần, VN-Index tăng 9,9 điểm (+0,96%), lên 1.040,54 điểm với 116 mã tăng và 154 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 408,22 triệu đơn vị, giá trị 35.004 tỷ đồng, tăng tới 214,93% về khối lượng và 722,34% về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, thanh khoản đột biến của phiên hôm nay chủ yếu do giao dịch thỏa thuận với 290 triệu đơn vị, giá trị 31.572,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch 267,8 triệu cổ phiếu VHM, giá trị 30.716,7 tỷ đồng từ phiên sáng. Còn xét về giao dịch khớp lệnh, phiên hôm nay chỉ tăng 10% về khối lượng và 6,5% về giá trị so với phiên hôm qua.

Diễn biến VN-Index phiên 18/5
Diễn biến VN-Index phiên 18/5

Ngoài đột biến trong giao dịch thỏa thuận, trong giao dịch khớp lệnh, VHM không có giao dịch này được thực hiện khi bên nắm giữ cổ phiếu không ra hàng, trong khi bên mua đang có dư mua trần gần 1 triệu đơn vị. Nếu chỉ cần một lệnh khớp tối thiểu VHM, nhiều khả năng VN-Index còn tăng mạnh hơn nữa.

Ngoài VHM, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ còn 3 mã giảm nhẹ là GAS, VCB và BID, còn lại đều hồi phục về tham chiếu hoặc có sắc xanh, một số có mức tăng khá mạnh.

Cụ thể, VIC về tham chiếu 123.000 đồng với 1,5 triệu đơn vị được khớp. VRE cũng đóng cửa tăng 1,52%, lên 46.700 đồng với 1,74 triệu đơn vị được khớp. VNM tăng 3,7%, lên 171.100 đồng, SAB tăng 4,5%, lên 252.400 đồng, MSN thậm chí tăng 6,32%, lên 92.500 đồng. CTG cũng đảo chiều thành công tăng 0,86%, lên 29.450 đồng với 5 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE sau OGC (5,09 triệu đơn vị). Trong Top 20, không còn mã nào có sắc đỏ, nhưng mức tăng cũng chỉ khiêm tốn, trong đó đáng chú ý VJC dù có lúc giảm sàn về 174.900 đồng, nhưng đóng cửa tăng 1,06%, lên 190.000 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, mức biến động giá cũng không lớn, chủ yếu lình xình quanh tham chiếu.

Tương tự, HNX-Index cũng bị đẩy mạnh ngay khi bước vào phiên chiều xuyên thủng mốc 120 điểm. Tại ngưỡng hỗ trợ này, lực cầu bắt đáy cũng nhập cuộc, kéo HNX-Index hồi phục, nhưng không may mắn như VN-Index, ngay khi vừa chớm xanh, HNX-Index đã bị đẩy trở lại và đóng cửa dưới tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm nhẹ 0,23 điểm (-0,19%), xuống 121,27 điểm với 72 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,93 triệu đơn vị, giá trị 829,95 tỷ đồng, tăng 25,56% về khối lượng và 26,48% về giá trị so với phiên hôm qua.

HNX-Index hụt mất sắc xanh là do ACB không giữ được đà tăng khi đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá (-0,23%), xuống 42.800 đồng với 2,7 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, SHB cũng giảm 1,96%, xuống 10.000 đồng với 10,47 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX. Các mã lớn khác cũng đóng cửa trong sắc đỏ như VGC (-0,78%), VCG (-3,74%), PVI (-2,09%), trong khi PVS giữ được mức tham chiếu 20.600 đồng với 6,48 triệu đơn vị được khớp.

Đặc biệt, hôm nay CEO bất ngờ tăng trần lên 16.200 đồng với 3 triệu đơn vị được khớp, DL1 cũng tăng mạnh 5,71%, lên 37.000 đồng.

Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng nới rộng đà giảm khi bước vào phiên chiều, nhưng không thể trở lại giống như 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,73 điểm (-1,30%), xuống 55,24 điểm với 96 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,88 triệu đơn vị, giá trị 735 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36 triệu đơn vị, giá trị 506 tỷ đồng.

Đa số các mã đáng chú ý trên sàn này đều giảm giá, chỉ còn POW tăng 2,07%, lên 14.800 đồng với 1,98 triệu đơn vị, đứng sau LPB.

Dù lấy lại vị thế thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM, nhưng LPB đóng cửa giảm 3,62%, xuống 13.300 đồng với 4,56 triệu đơn vị.

Hôm nay sàn UPCoM có thêm 2 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là OIL và BSR và cả 2 cũng đóng cửa giảm 5%, xuống 19.000 đồng và 2,7%, xuống 21.600 đồng. HVN cũng giảm 3,22%, xuống 36.100 đồng.