Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 10 tháng 08 năm 2024,
Phiên 20/7: “Đánh úp” cuối tuần
 
Đang trên đà hồi phục về gần mức tham chiếu, VN-Index đột ngột lao mạnh trong đợt ATC do nhóm VN30 bị khối ngoại “đánh úp” cuối phiên.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 20/7
Diễn biến VN-Index phiên ngày 20/7

Trong phiên giao dịch sáng, áp lực chốt lời đã khiến cả 2 chỉ số chính giảm mạnh với thanh khoản giữ ở mức như phiên sáng trước đó.

Trong phiên giao dịch chiều, VN-Index bị đẩy xuống sát mốc 930 điểm ngay đầu phiên, nhưng ở mốc hỗ trợ này, lực cầu nhập cuộc tích cực cả trên sàn HOSE và trên sàn HNX, giúp cả 2 chỉ số chính hồi phục trở lại. Trong đó, HNX-Index vượt qua tham chiếu, bứt thẳng lên mức cao nhất ngày với mức tăng ấn tượng, còn VN-Index cũng lên gần mức tham chiếu và nhiều nhà đầu tư cũng đã nghĩ đến viễn cảnh tích cực về phiên đảo chiều ngoạn của VN-Index giống như HNX-Index.

Tuy nhiên, mọi kỳ vọng đã bị sụp đổ trong đợt ATC khi nhà đầu tư nước ngoài ra tay “đánh úp” nhóm VN30, kéo chỉ số VN30-Index lao dốc thẳng đứng xuống mức thấp nhất ngày, kéo VN-Index lao theo. Tuy nhiên, nhờ đà hồi phục của một số mã ngân hàng như CTG, MBB, HDB, cùng sự chắc chắn của VHM, nên VN-Index không rơi quá mạnh như VN30.

Chốt phiên chiều, VN-Index giảm 10,58 điểm (-1,12%), xuống 933,39 điểm với 127 mã tăng và 149 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 204 tỷ đồng, giá trị 4.942,78 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% về khối lượng và 9,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,1 triệu đơn vị, giá trị 1.110,8 tỷ đồng.

Trong phiên chiều nay, nhà đầu tư nước ngoài xả mạnh nhóm VN30 trong đợt ATC, kéo nhiều mã giảm mạnh, nhất là VIC khi giảm 1,33%, xuống mức thấp gần nhất ngày 103.600 đồng. Trong khi đó, SAB thậm chí còn đóng cửa ở mức sàn 200.000 đồng. VJC cũng giảm mạnh 6,43%, xuống 131.000 đồng. BVH giảm 5,96%, xuống 71.000 đồng, mức thấp nhất ngày. ROS cũng mất 6,59%, xuống 41.100 đồng. Ngoài ra, VRE, BID, GAS, HPG, PLX, FPT, MWG, DHG cũng giảm trên dưới 2%.

Trong khi đó, lực cầu bắt đáy giúp CTG, MBB, SSI, HDB đảo chiều tăng giá, trong đó MBB tăng tốt nhất với 3,1%, lên 23.300 đồng. CTG tăng 1,23%, lên 24.700 đồng. HDB tăng 0,85%, lên 35.400 đồng, mức cao nhất ngày.

Trong khi đó, FLC vẫn giữ vững sắc tím do không có thêm nhiều lực bán, chốt phiên khớp 19,28 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 5.410 đồng, còn dư mua giá trần 2,7 triệu đơn vị.

Đứng sau về thanh khoản là HAG với 16 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 1,18%, xuống 6.190 đồng, đây cũng là mức giá chốt phiên sáng.

Ngoài ra, FIT, TSC và GTN cũng duy trì được sắc tím và còn dư mua giá trần, trong đó GTN được khớp 3,65 triệu đơn vị, FIT khớp 1,9 triệu đơn vị và TSC hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, như đã đề cập, HNX-Index được kéo thẳng một mạch từ mức đáy của ngày lên mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,03 điểm (+1,93%), lên 107,62 điểm với 82 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đật 45,14 triệu đơn vị, giá trị 649,4 tỷ đồng, giảm 9,65% về khối lượng và 7,3% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 12,9 tỷ đồng.

Lực cầu bắt đáy chảy mạnh đã giúp ACB đảo chiều đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 36.800 đồng, tăng 3,95% với 8,93 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HNX. SHB cũng được kéo về tham chiếu 8.200 đồng với 5,82 triệu đơn vị được khớp. VGC tăng 2,86%, lên 18.000 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp. PVS cũng tăng 1,82%, lên 16.800 đồng với 2,78 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, KLF không còn giữ được sắc tím khi đóng cửa ở mức 2.100 đồng, tăng 5% với 4,39 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, các mã khác như SPI, KSK, DST, DCS, BII, KVC, VAT, ACM lại đua nhau sắc tím, nhưng thanh khoản không quá tốt.

Trên sàn UPCoM, sau khi nới rộng đà giảm trong đầu phiên, cùng với sự tích cực trên 2 sàn niêm yết, UPCoM-Index cũng hồi phục trở lại và thiếu chút may mắn để có được sắc xanh khi chốt phiên chiều cuối tuần.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,07%), xuống 50,55 điểm với 101 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19 triệu đơn vị, giá trị 326 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,44 triệu đơn vị, giá trị 152,86 tỷ đồng.

Trên sàn này, ART vẫn duy trì sắc tím cho đến hết phiên, đóng cửa ở mức 11.900 đồng với 1,82 triệu đơn vị được khớp dẫn đầu sàn UPCoM về thanh khoản.

Tuy nhiên, khác với phiên sáng khi chỉ có duy nhất ART được khớp trên 1 triệu đơn vị, trong phiên chiều, với sự hoạt động tích cực của dòng tiền, có thêm 4 mã khác cũng có giao dịch trên 1 triệu đơn vị là POW, LPB, AVF và BMF.

Trong đó, 2 mã lớn POW và LPB chỉ lình xình ở mức tham chiếu, cũng giống như các mã lớn đáng chú ý khác như BSR, VGT, HVN, OIL…, thì 2 mã AVF và BMF lại có diễn biến giá trái ngược nhau.

Trong khi mã tý hon AVF đóng cửa ở mức sàn 400 đồng và còn dư mua giá sàn, thì BMF lại đóng cửa ở mức trần 46.000 đồng và còn dư mua giá trần tới 3,4 triệu đơn vị. Cũng có sắc tím như BMF là hàng loạt mã tý hon khác như PFL, ATB, PVA, GVA, NTB…

Thị trường chứng khoán: Điều gì khiến VN-Index liên tục dò đáy?
Từ kỳ vọng VN-Index cuối năm sẽ lên 1.500 rồi 2.000, nhà đầu tư giờ chỉ xoay quanh câu hỏi "khi nào thị trường mới tăng trở lại".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư