Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Phiên 23/8: Hẹn lịch "đánh chiếm" mốc 990 điểm phiên tới
Trong bối cảnh áp lực bán gia tăng và dòng tiền vào thị trường thận trọng hơn trong thời gian cuối phiên, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giữ được đà tăng tích cực, giúp VN-Index duy trì sắc xanh.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 23/8
Diễn biến VN-Index phiên ngày 23/8

Cho dù khối ngoại đã giao dịch tích cực hơn sau khi mua ròng trong vài phiên gần đây, nhưng lượng cung giá thấp khá lớn được tung vào thị trường trong cuối phiên trước khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong phiên giao dịch hôm nay. Hoạt động giao dịch khá cầm chừng khiến VN-Index diễn biến khá lình xình. Dù vậy, VN-Index vẫn tăng nhờ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có được đà tăng tốt.

Trong phiên chiều, VN-Index bất ngờ tăng vọt ngay đầu phiên khi nhiều cổ phiếu bluechips, nhất là các cổ phiếu ngân hàng, đồng loạt hút mạnh dòng tiền. Với việc lượng cung giá thấp vẫn luôn trực chờ, khi thị trường tăng "nóng" chính là cơ hội tốt để ra hàng. Bởi vậy, ngay khi VN-Index tiệm cận mức 990 điểm - mức cao nhất ngày, áp lực bán cũng lập tức được khởi động.

"Lên đường nào thì xuống đường đó". Lực bán cũng tập trung ngay tại nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như bluechips, khiến nhiều mã trong nhóm này quay đầu giảm điểm. VN-Index theo đó nhanh chóng hạ nhiệt. Tuy nhiên, với sự ổn định của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nên chỉ số này vẫn duy trì khá vững sắc xanh.

Đóng cửa, với 149 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 5,21 điểm (+0,53%) lên 987,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 146,85 triệu đơn vị, giá trị 3.508,38 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên 22/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,98 triệu đơn vị, giá trị 297 tỷ đồng.

Trong số 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, có tới 7 mã tăng điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu họ Vingroup có đóng góp đáng kể nhất. VIC +1% lên 104.600 đồng,  VHM +1,8% lên 111.900 đồng, VRE +1,6% lên 46.000 đồng.

VCB +1,1% lên 62.600 đồng, BID +1,7% lên 30.050 đồng. Các mã VNM, GAS, TCB, PLX, HPG, FPT, MBB, SSI, REE... cũng tăng để hỗ trợ VN-Index.

Ngược lại, CTG -0,6% về 26.100 đồng, MSN -0,9% về 91.200 đồng, cùng với VPB, STB, HDB, SAB, VJC, PNJ, NVL, ROS... cũng giảm điểm, khiến chỉ số hãm bớt đà tăng.

CTG khớp lệnh 6,13 triệu đơn vị, cao nhất trong rổ VN30. Các mã HG, MBB, STB, VPB khớp trên 3 triệu đơn vị. HSG và SSI khớp trên 2 triệu đơn vị. REE, ROS, VIC, VRE, VCB và FPT khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng một số mã nóng như FLC, HAG, GTN, QCG... giảm điểm. FLC -1,2% về 6.520 đồng, khớp lệnh 14,11 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. HAG -0,1% về 7.000 đồng, khớp lệnh 5,62 triệu đơn vị. HNG đứng giá tham chiếu 15.950 đồng, khớp lệnh 1,06 triệu đơn vị.

Các mã SCR, HQC, TCH, ITA, LDG.... nằm trong số những mã tăng và có thanh khoản tốt. SCR +0,3% lên 9.350 đồng và khớp 2,57 triệu đơn vị. HQC +1,6% lên 1.920 đồng và khớp 2,19 triệu đơn vị...

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh trong khi sức cầu hạn chế khiến chỉ HNX-Index liên tục giằng co mạnh, thậm chí có thời điểm lùi khá xa tham chiếu, nhưng vẫn kịp hồi phục cuối phiên sáng. Trong phiên chiều, bắt nhịp với đà tăng của HOSE, HNX cũng tăng cao, trước khi lùi nhẹ trở lại.

Đóng cửa, với 76 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,49%) lên 110,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,17 triệu đơn vị, giá trị 427 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên 22/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,12 triệu đơn vị, giá trị 14,7 tỷ đồng.

Tương tự sàn HOSE, nhiều mã vốn hóa lớn trên HNX cũng tăng điểm để hỗ trợ chỉ số sàn này. ACB +1,1% lên 38.200 đồng; PVS +1,5% lên 20.100 đồng; VCG +2,3% lên 27.600 đồng; VGC +1,8% lên 17.200 đồng; VCS +1,8% lên 88.600 đồng...

Ngược lại, PVI -1% về 29.000 đồng; NDN -1,5% về 13.300 đồng; L14 -3,7% về 39.500 đồng; DGC -1% về 38.500 đồng...

Về thanh khoản, PVS khớp 4,82 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX. ACB khớp 3 triệu đơn vị. SHB khớp 4,7 triệu đơn vị, đứng giá 8.500 đồng. Các mã VCG, VCG, SHS khớp trên 1 triệu đơn vị.

Cũng nằm trong nhóm thanh khoản cao, mã NVB khớp 1,12 triệu đơn vị, tăng 1,2% lên 8.200 đồng. Trong khi đó, các mã giảm thanh khoản thấp.

Nhiều mã thị giá nhỏ tăng trần trong phiên này như VIX, HVA, HKB, FID... trong đó VIX và HVA khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, mã SRA tiếp tục nóng bỏng tay khi tăng trần phiên thứ 6 liên tiếp lên 39.900 đồng (9,9%), tính từ đầu tháng 8 là phiên tăng trần thứ 14.

Trên sàn UPCoM, áp lực chốt lời khiến sàn này giao dịch dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian. Cũng đã có nỗ lực để hồi phục, song do sức cầu yếu nên không thành công.

Đóng cửa, với 81 mã tăng và 75 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,36%) về 51,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,77 triệu đơn vị, giá trị 130,19 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng, nhưng tăng 3% về giá trị so với phiên 22/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,42 triệu đơn vị, giá trị gần 52 tỷ đồng.

Phiên này, BSR là mã suy nhất đạt mức khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị (1,21 triệu), nhưng giảm 0,6% về 16.800 đồng. Nhiều mã lớn khác như HVN, VGT, OIL, QNS, DVN... cũng chìm trong sắc đỏ.

LBP và KLB phiên này đứng giá 9.500 đồng và 9.700 đồng. Trong khi VIB giảm 0,7% về 28.700 đồng, BAB giảm 0,5% về 20.400 đồng. Ngược lại, các mã VEA, POW, MSR, SDI, ART... tăng điểm.

Ngoại trừ một số mã như BSR, LBP, HVN, VEA, ART, VGT, OIL, POW, QNS, phần còn lại thanh khoản thấp.

Thị trường chứng khoán: Đãi sàn tìm cổ giá hấp dẫn
Với giới đầu tư chứng khoán, việc tìm kiếm những cổ phiếu cơ bản tốt, tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư