Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Phiên 28/5: Xếp hàng... nằm sàn
 
Áp lực bán tháo gia tăng mạnh hơn trong phiên chiều kéo hàng loạt mã lớn nhỏ giảm sàn, đẩy VN-Index có lúc xuống dưới ngưỡng 930 điểm. HNX-Index thậm chí còn tồi tệ hơn khi mất tới hơn 6,2%, phiên giảm mạnh nhất hơn 4 năm.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 28/5
Diễn biến VN-Index phiên ngày 28/5

Trong phiên giao dịch sáng, áp lực bán mạnh diễn ra ngay từ đầu phiên khiến VN-Index mất mốc 940 điểm với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử. Nếu không có sự trở lại ngoạn mục của VIC và SAB, cùng với việc VHM về tham chiếu, đà giảm của chỉ số này sẽ mạnh như HNX-Index.

Tuy nhiên, trong phiên chiều, áp lực bán tháo đã kích hoạt trên diện rộng đẩy hàng chục mã giảm sàn không kể lớn bé, khiến VN-Index có lúc rơi gần 40 điểm, xuống dưới ngưỡng 930 điểm trước khi hồi nhẹ trên mốc này khi chốt đợt khớp lệnh liên tục.

Bước vào đợt khớp lệnh ATC, lực bán tháo với mức sàn và ATC tiếp tục được tung vào ồ ạt, gây áp lực lớn tới thị trường. Tuy nhiên, nhờ lực đỡ từ VIC khi mã này leo lên mức cao nhất ngày, VN-Index cuối cùng giữ được mốc 930 điểm.

Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy hôm nay chảy khá mạnh, giúp thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên cuối tuần trước.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index giảm 32,15 điểm (-3,34%) xuống 931,75 điểm với 40 mã tăng, trong khi có tới 265 mã giảm, trong đó có tới 86 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 219,28 triệu đơn vị, giá trị 6.058,1 tỷ đồng, tăng 45,94% về khối lượng giao dịch và 27,72% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,09 triệu đơn vị, giá trị 1.137,98 tỷ đồng.

Trong Top 20 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, chỉ duy nhất VIC có sắc xanh, thậm chí tăng mạnh 3,74%, lên mức cao nhất ngày 111.000 đồng với 3,15 triệu đơn vị được khớp, còn lại đều chìm trong sắc đỏ và xanh mắt mèo (giảm sàn). Nếu không có lực kéo từ VIC hỗ trợ, VN-Index không thể giữ được mốc 930 điểm, thậm chí có thể xuống dưới mốc 925 điểm.

Các mã còn lại, VHM sau nỗ lực của phiên sáng, cũng buộc phải đóng cửa giảm nhẹ 0,43%, xuống 117.000 đồng với 2,94 triệu đơn vị được khớp. SAB cũng quay đầu giảm nhẹ trở lại khi mát 0,85%, xuống 232.000 đồng. VNM cũng chỉ giảm nhẹ 0,6%, xuống 165.000 đồng, VRE cũng chỉ giảm 1,47%, xuống 40.300 đồng, còn lại đều giảm mạnh.

Trong đó, nhóm ngân hàng có CTG, STB, BID, VPB, HDB giảm sàn, VCB giảm 6,4%, xuống 46.800 đồng (mức thấp nhất ngày), MBB giảm 6,74%, xuống 26.300 đồng, TPB giảm 6,55%, xuống 27.100 đồng, chỉ có EIB giảm nhẹ 1,36%, xuống 14.500 đồng.

Các mã bluechip khác giảm sàn có GAS, FPT, PVD, HSG, SBT, HCM, VJC, ROS, VCI, HBC, MWG, DCM, PNJ, HDG, DXG, KDH, POM, NKG, PAN, DPG, VCF, VND, DIG, GEX…

Không chỉ nhóm cổ phiếu lớn, các mã cổ phiếu nhỏ cũng giảm sàn đồng loạt như FLC, SCR, HAG, ITA, HQC, HHS, OGC, HAI, IDI, ASM, DLG, HNG, TSC, QCG, TTF, LDG, GTN, TLH, VOS, LCG…

Trong phiên hôm nay, mã có thanh khoản tốt nhất là FLC với 9,57 triệu đơn vị được khớp, tiếp đến là SSI với hơn 9 triệu đơn vị và dù thoát mức sàn, nhưng cũng giảm mạnh 6,78%, xuống 27.500 đồng. Ba mã ngân hàng là MBB, CTG và STB được khớp trên dưới 8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, tình hình còn tồi tệ hơn HNX-Index lao dốc không phanh, đóng cửa mất tới hơn 6,2%, mức giảm mạnh nhất hơn 4 năm, xuống dưới cả ngưỡng 107,5 điểm.

Cụ thể, chốt phiên đầu tuần, HNX-Index giảm 7,11 điểm (-6,21%), xuống 107,37 điểm với 41 mã tăng, trong khi có tới 143 mã giảm - mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ phiên 8/5/2014 do ảnh hưởng từ sự kiện biển Đông (gian khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam). Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,66 triệu đơn vị, giá trị 1.025,67 tỷ đồng, tăng 55,4% về khối lượng và 47,1% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,25 triệu đơn vị, giá trị 130 tỷ đồng.

Cũng giống sàn HOSE, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ có duy nhất PVI bất ngờ đi ngược dòng với mức tăng tốt 2,9%, lên 31.900 đồng, còn lại đều giảm giá, trong đó có nhiều mã giảm sàn như VCS, VGC, PVS. Các mã khác thoát mức sàn, nhưng cũng giảm mạnh như ACB giảm 9,5%, xuống 36.200 đồng, SHB giảm 7,87%, xuống 8.200 đồng (mức thấp nhất ngày), VPI giảm 3,04%, xuống 41.500 đồng, NTP giảm 3,47% xuống 50.100 đồng.

Ngoài ra, phiên hôm nay cũng chứng kiến hàng loạt mã khác giảm sàn như CEO, HUT, PVX, DS3, MBS, PVB, ACM, NHP, ITQ, KVC, VIG, PHC, SDD, PVG…

Các mã khác thoát mức sàn nhưng cũng giảm mạnh như SHS giảm 9,15%, xuống 13.900 đồng. TNG giảm 7,09%, xuống 11.800 đồng. NSH giảm 5,22%, xuống 10.900 đồng…

Hôm nay, SHB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 13 triệu đơn vị được khớp, bỏ xa mã thứ 2 là PVS với tổng khớp 7 triệu đơn vị, mã thứ 3 là ACB với 6,64 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi UPCoM-Index tiếp tục tác tốc đà lao dốc ngay khi bước vào phiên chiều và đóng cửa giảm 2,04 điểm (-3,83%), xuống 51,1 điểm với chỉ 31 mã tăng, trong khi có tới 121 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,65 triệu đơn vị, giá trị 311 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,47 triệu đơn vị, giá trị 99,6 tỷ đồng.

Tất cả các mã lớn đáng chú ý trên sàn UPCoM đều giảm giá với mức giảm khá mạnh. Trong đó, LPB có thanh khoản tốt nhất với 3,85 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,61%, xuống 11.300 đồng. POW khớp 2,17 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 5,63%, xuống 13.400 đồng. BSR là mã cuối cùng có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị (1,42 triệu đơn vị), đóng cửa giảm 7,85% xuống 17.600 đồng.

HVN giảm 11,11%, xuống 28.000 đồng với 0,93 triệu đơn vị được khớp. OIL giảm 5,8%, xuống 16.200 đồng với 0,8 triệu đơn vị. Ngoài ra, VIB giảm 8,86%, xuống 26.000 đồng, ACV giảm 1,48%, xuống 80.000 đồng, MSR giảm 9,17%, xuống 21.800 đồng, SDI giảm 7,91% xuống 61.700 đồng, MCH giảm 8,17%, xuống 88.000 đồng… 

Thị trường chứng khoán: Ai được lợi trong thời điểm này?
Trong hơn một tháng qua, mọi nỗ lực hồi phục của thị trường bao gồm cả phục hồi kỹ thuật đều bị “bẻ gẫy” nhanh chóng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư