Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phiên đấu giá chọn nhà đầu tư chiến lược: Ai sẽ lọt mắt xanh của Vissan?
PV (enternews) - 17/03/2016 10:56
 
Ngày 24/3/2016 Vissan sẽ tổ chức đấu giá chọn nhà đầu tư chiến lược và dự báo sẽ diễn ra rất gay cấn. Vậy nhà đầu tư nào sẽ lọt mắt xanh của Vissan? Và những thách thức, tủi ro nào nhà đầu tư chiến lược phải đối mặt nếu trở thành nhà đầu tư chiến lược?

.
Cơ cấu sở hữu dự kiến sau CPH của Vissan

Như chúng tôi đã đề cập trong bài: “CPH doanh nghiệp Nhà nước 2016: Dòng tiền chuyển động mạnh” đăng ngày 11/3/2016, Vissan đã tiến hành đấu giá thành công 100% lượng cổ phần chào bán với giá trúng thầu bình quân là 80.053 đồng/cp (gấp đến 4,7 lần giá khởi điểm), bao gồm 6 nhà đầu tư (1 nhà đầu tư tổ chức) trúng thầu. Tổng giá trị tại phiên IPO thu về gần 907 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nào “lọt mắt xanh” Vissan?

Tuy nhiên, điều mà dư luận đang quan tâm là tiếp theo ai sẽ là nhà đầu tư chiến lược của Vissan? Theo ông Văn Đức Mười, TGĐ Vissan, hiện có rất nhiều đối tác muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan như Proconco, Anco, tập đoàn CJ của Hàn Quốc. Trong đó, Proconco và Anco đều thuộc Cty CP Tập đoàn Masan (MSN). Còn tập đoàn CJ được biết đến tại VN ở một số thương vụ như mua Megastar (sau đó đổi tên rạp chiếu phim CGV), mua cao ốc Gemadept Tower của GMD… Những nhà đầu tư chiến lược muốn vào Vissan phải cam kết đồng hành với chiến lược và chính sách mà Vissan đã đề ra và hướng tới, đó là hoạt động có chăn nuôi, có chế biến, cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm đầu tiên… Đây là chiến lược hoạt động và cũng là sứ mệnh của Vissan và nhà đầu tư nào muốn thắng trong phiên đấu giá để trở thành nhà đầu tư chiến lược sắp tới sẽ phải tuân thủ định hướng phát triển nêu trên. Vậy, nhà đầu tư chiến lược nào sẽ đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này? Hãy chờ phiên đấu giá vào 24/3 tới.

Rủi ro lớn nhất mà nhà đầu tư phải tính đến đó là thời gian vận hành các nhà máy mới của Vissan.

Kỳ vọng vào vận hành các nhà máy mới

Như chúng tôi đã đề cập về những lợi thế của Vissan (hiện đang đứng đầu ngành kinh doanh thực phẩm về hệ thống phân phối). Do vậy, đối với giới kinh doanh, Vissan là cổ phiếu rất tiềm năng. Thậm chí, khi tận dụng triệt để lợi thế về mạng lưới thì Vissan có khả năng lớn mở rộng thị trường để gia tăng nguồn thu.

Tuy nhiên theo chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Hải – Cty Kiểm toán AASC, xét về hiệu quả hoạt động thì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận các năm vừa qua thì mảng kinh doanh của Vissan vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm lực. Nguyên nhân do việc đẩy mạnh gia tăng thị phần nhưng không đem lại kết quả tương đồng. Chính vì vậy, chi phí bán hàng và quản lý trong 3 năm gần đây tăng khá mạnh, lần lượt chiếm 8% và 6% tổng doanh thu. Đó cũng là lý do mà từ 2015, Cty phải thực hiện cơ cấu lại hệ thống bán hàng để gia tăng hiệu quả hoạt động. Để khắc phục những hạn chế của mình, vừa qua Vissan gấp rút triển khai nhiều giải pháp để kích nhóm chế biến thực phẩm tăng trưởng. Trong đó, hầu hết các dự án mà Vissan tập trung xây dựng đều nhắm vào việc mở rộng phân khúc thực phẩm chế biến. Mới đây, Cty đã hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng giai đoạn II Nhà máy chế biến thực phẩm tại Bắc Ninh (Hà Nội). Tổng giá trị đầu tư vào khoảng 200 tỷ đồng với năng lực sản xuất 20.000 tấn sản phẩm chế biến/năm, gấp 6 lần công suất hiện tại. Ngoài ra, đến năm 2018, dự án nhà máy tại Khu công nghiệp Bến Lức (Long An) với tổng giá trị đầu tư khoảng 1.440 tỷ đồng sẽ hoàn thành. Lúc đó, công suất chế biến thực phẩm lại tăng đến khoảng 4 lần so với hiện tại.

Như vậy, nhà máy mới của Vissan khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết về giới hạn năng lực sản xuất trong các năm qua. Giả sử, từ sau năm 2019, công ty chỉ hoạt động khoảng 50% công suất thì tăng trưởng doanh thu của phân khúc này có thể duy trì ở mức 20% so với năm trước. Khi đó, biên lợi nhuận gộp vào khoảng 19,6% và lợi nhuận sau thuế vào khoảng 277 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với 2018.

Một yếu tố cũng quan trọng và trở thành chìa khoá vàng tăng trưởng của Vissan đó là đầu tư mô hình chuỗi sản xuất khép kín 3F (tức là đầu tư khác nhau từ vùng chăn nuôi, con giống đến sản xuất sản phẩm) để bù đắp chi phí tài chính. Như đã nói ở trên, với kế hoạch xây dựng nhà máy mới Cty sẽ phải vay khoảng 640 tỷ đồng. Việc gia tăng chi phí lãi vay và chi phí khấu hao là rất lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Cty trong giai đoạn 2017- 2018. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là kế hoạch trong tương lai và chỉ được tính ít nhất từ sau 2019. Còn hiện tại, trước khi nhà máy mới đi vào hoạt động, kết quả kinh doanh của Vissan sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát chi phí kết hợp với chiến lược nâng tầm thương hiệu để hưởng lợi về giá bán. Và như đã nói ở trên, rủi ro lớn nhất mà nhà đầu tư phải tính đến đó là thời gian vận hành nhà máy mới của Vissan. Nếu tiến trình IPO cũng như đấu giá mảnh đất tại 420 Nơ Trang Long không thuận lợi thì việc đầu tư nhà máy có thể phải trì hoãn. Khi đó, Cty sẽ khó tận dụng những ưu thế chuyển dịch mô hình trong ngành chăn nuôi để phát triển. Ngoài ra, thành quả đầu tư chỉ xuất hiện từ sau 2019 nên việc sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền không có nhiều ý nghĩa.

Phương Hà

Vissan: Nhà đầu tư chiến lược nào cũng muốn mua hết cổ phần
Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã tổ chức một số buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại công ty nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư