Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Chắc chắn quản lý được thuế đối với thương mại điện tử
Mạnh Bôn - 14/01/2021 14:34
 
Hàng loạt quy định mới về quản lý thuế được thực thi từ năm 2021 sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, nền tảng số.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc hàng loạt quy định mới về quản lý thuế được thực thi từ năm 2021 sẽ góp phần quan trọng trong công tác chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), nền tảng số.

.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

TMĐT được coi là một trong những hoạt động có nhiều rủi ro nhất trong quản lý thuế. Kể từ năm 2021, quản lý thuế đối với hoạt động này thế nào, thưa ông?

Về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam, dù có hiện diện tại Việt Nam hay không, đều có nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hiện diện tại Việt Nam thì không có vấn đề gì, còn đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, hiện quản lý thuế theo Thông tư 103/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam được gọi chung là thuế nhà thầu.

Theo đó, khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tại Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu và thay mặt doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nộp vào ngân sách.

Với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT dựa trên nền tảng số, việc quản lý thuế đối với giao dịch thanh toán giữa cá nhân trong nước với tổ chức, cá nhân nước ngoài là rất khó. Vì thế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Quản lý thuế năm 2019) đã quy định, nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ngân hàng) chịu trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT. Tức là, khi cơ quan thuế có bằng chứng về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam sẽ yêu cầu ngân hàng khấu trừ số tiền mà cá nhân trong nước thanh toán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT.

Như vậy, không dễ quản lý được toàn bộ hoạt động TMĐT, vì hiện có rất nhiều giao dịch thanh toán tiền mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của cá nhân trong nước với tổ chức, cá nhân nước ngoài qua hoạt động TMĐT?

Để quản lý hoạt động này, Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho ngân hàng để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Qua các biện pháp quản lý thuế hiện nay, cơ quan thuế đã nắm được các nguồn thông tin thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ qua TMĐT từ nước ngoài qua hệ thống ngân hàng, nên luật hóa việc ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay chắc chắn sẽ quản lý thuế được với hoạt động TMĐT.

Hiện rất nhiều người có thu nhập từ các nhà mạng nước ngoài thông qua nền tảng số. Vậy làm thế nào để quản lý thuế đối với các trường hợp này, thưa ông?

Với hoạt động thanh toán từ nhà mạng nước ngoài như YouTube, Google… cho cá nhân trong nước, chúng tôi đã có thông tin tương đối đầy đủ và hoàn toàn quản lý được.

Cụ thể, thông qua thông tin do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng cung cấp, cơ quan thuế có đầy đủ thông tin giao dịch bất thường của các cá nhân liên quan đến tài khoản quốc tế. Với thông tin đó, chúng tôi mời những người có thu nhập lên cơ quan thuế để tuyên truyền, giải thích về nghĩa vụ thuế để họ thực hiện kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế. Nếu họ không thực hiện, cơ quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin liên quan đến các khoản thanh toán của tổ chức nước ngoài cho cá nhân Việt Nam và thực hiện cưỡng chế thuế.

Để thu được thuế, cá nhân phải có mã số thuế, song rất nhiều người có tài khoản ngân hàng, thanh toán qua ngân hàng mà lại không có mã số thuế?

Muốn mở tài khoản ngân hàng, cá nhân phải có chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, ngân hàng có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản của người nộp thuế (tên chủ tài khoản, số hiệu; ngày mở, ngày đóng tài khoản) cho cơ quan thuế. Khi có thông tin từ ngân hàng, cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế cá nhân và gửi ngược lại ngân hàng để bổ sung vào thông tin tài khoản ngân hàng của cá nhân. Nếu cá nhân phát sinh nghĩa vụ thuế, ngân hàng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản cá nhân để nộp vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp cơ quan thuế có nghi ngờ cá nhân có hoạt động gian lận thuế, trốn thuế, thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế sẽ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch để phục vụ việc thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc thanh toán có thể sử dụng tiền điện tử. Trường hợp này thì quản lý thuế thế nào, thưa ông?

Tiền kỹ thuật số trong tương lai có được coi là đơn vị thanh toán hay không thuộc chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Còn với cơ quan thuế, trong tương lai, nếu tiền kỹ thuật số được coi là đơn vị thanh toán mới, thì chắc chắn, chúng tôi sẽ có giải pháp quản lý hiệu quả.

Khi tiền kỹ thuật số chưa được coi là đơn vị thanh toán, thì chưa thể nói trước được cách thức quản lý sẽ được thực hiện ra sao, nhưng chắc chắn quản lý được, bởi tiền điện tử, tiền kỹ thuật số khi giao dịch đều để lại dấu vết.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là trạng thái "bình thường mới" tại Việt Nam
Theo Amazon, trong năm 2020, các nhà bán hàng từ Việt Nam ghi nhận doanh số vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư