Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phụ nữ Việt Nam đang tham chính ở mức nào?
Hải Hà - 26/02/2016 09:59
 
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2016 là tăng tỷ lệ tham chính của phụ nữ lên 35% trong tất cả các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, để đi tới mục tiêu này dường như còn khoảng cách khá xa.

Đây là nội dung đưa ra tại Tọa đàm Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra sáng nay (25/2) tại Hà Nội.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, phân tích bức tranh tỷ lệ phụ nữ tham chính của Việt Nam có thể thấy trong khi tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam giảm thì tỷ lệ trung bình nữ nghị sĩ thế giới lại có xu hướng tăng lên hàng năm.

Truyền thông được khẳng định là kênh khá quan trọng trong việc nâng tỷ lệ phụ nữ tham chính của Việt Nam.
Truyền thông được khẳng định là kênh khá quan trọng trong việc nâng tỷ lệ phụ nữ tham chính của Việt Nam.

Con số chứng minh nhận định này được bà Mai đưa ra, nếu tháng 9/1997, tỷ lệ này là 12,1% so với Việt Nam là 26,2% thì đến tháng 11/2014, tỷ lệ trung bình nữ nghị sĩ trên thế giới đạt 21,9%, gần với tỷ lệ 24,4% của Việt Nam.

Nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam khi số liệu của Liên minh Nghị viện Thế giới (2014) cho thấy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đang đứng vị trí thứ 8 trên thế giới và đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á từ năm 1997. Hiện, Việt Nam đang đứng thứ 5/11 các nước trong khu vực sau Đông Timor, Philipines, Singapore và Lào.

Phân tích qua tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, bà Mai cho biết, nếu ở Quốc hội khóa I, tỷ lệ nữ là 3% thì đến Quốc hội khóa XIII, tỷ lệ này là 24,4%.

“Song nhìn vào biểu đồ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ cho thấy Việt Nam cần có những ước đi vững chắc hơn và phải có giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu của nhiệm kỳ 2016-2021”, bà Mai nói.

Cơ sở của khẳng định trên xuất phát từ thực tế, sự tham gia nữ đại biểu Quốc hội giữa các vùng miền là khác nhau.

Phân tích riêng sự tham gia của nữ đại biểu Quốc hội tại khóa XIII có thể thấy nếu 2 tỉnh Ninh Bình và Hà Giang có tỷ lệ nữ đạt từ 50% trở lên và 3 tỉnh đạt 40-50% trở lên là Bến Tre, Hưng Yên, Lâm Đồng, Tuyên Quang và 16 tỉnh có tỷ lệ đạt 30-40% thì lại có 3 tỉnh không có nữ đại biểu là Thừa Thiên Huế, Tây Ninh và Bình Dương.

Việc nâng tỷ lệ nữ đại biểu tham chính là cần thiết vì theo bà Mai, phụ nữ Việt Nam chiếm tới hơn 50% dân số và phụ nữ muốn có chính sách và tiếng nói liên quan tới họ và trẻ em thì theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ phụ nữ phải đạt tối thiểu 30% đại diện tại các cơ quan dân cử.

“Phụ nữ tham chính rất có tiếng nói, ví dụ cụ thể nhất là mặc dù tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội của ta hiện chỉ chiếm 24% nhưng họ đã có tiếng nói không kém gì nam giới trong các vấn đề giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội”, bà Mai khẳng định.

Cũng theo bà Mai, nếu như nhiệm kỳ trước chỉ có 15 đạo luật xem xét vấn đề lồng ghép giới thì nhiệm kỳ này, con số này đã lên tới 40 đạo luật.

Tại tọa đàm, vai trò của truyền thông cũng được nhấn mạnh khá quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền các cấp bởi khá nhiều ứng viên nữ có năng lực, trình độ nhưng lại không được nhìn nhận thỏa đáng hoặc không được phát hiện trong các đề cử.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, nâng tỷ lệ 35% nữ trong tất cả các cuộc bầu cử năm 2016 là kỳ vọng khá cao bởi để đạt được mức này thì tỷ lệ nữ ứng viên nữ phải đạt từ 50% trở lên.

Trong khi, nếu nhìn nhận truyền thông có vai trò quan trọng thì phân tích ngay trong giới truyền thông thế giới, bà Mehta lại đưa ra con số chỉ có 22% lãnh đạo trong ngành công nghiệp truyền thông là phụ nữ mặc dù tỷ lệ nữ nhân viên làm việc trong ngành này là nữ chiếm khá cao.  

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của tổ chức giám sát toàn cầu thực hiện năm 2015 cho thấy chỉ 22% tỷ lệ tin thức mà giới truyền thông đưa ra có liên quan tới phụ nữ. Trong số đó thì có 18% thông tin được đưa lên mạng internet.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư