Thứ Năm, Ngày 17 tháng 07 năm 2025,
Phủ sóng 5G sâu rộng trên toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách
Tú Ân - 17/07/2025 11:02
 
Đến hết năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 68.457 trạm 5G, tương đương 57,5% số trạm 4G, phủ sóng 90% dân số và tiến tới phủ sóng 99% dân số vào năm 2030.

"Viễn thông phải trở thành hạ tầng số phục vụ cho chuyển đổi số. Hạ tầng số cần được xác định là hạ tầng chiến lược, tương đương với giao thông và điện lực - phải được phổ cập, có băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, xanh và an toàn. Hạ tầng số sẽ trở thành nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế.

Việc phủ sóng 5G sâu rộng trên toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm. Tốc độ kết nối di động cần đạt tối thiểu 100Mbps, kết nối cố định đạt 200Mbps", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Tháng 3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu công nghệ 6G và phát triển vệ tinh viễn thông.

Một trong những quan điểm, chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động. Mục tiêu là hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm, toàn diện, mang lại lợi ích cho người dân. 

Trạm gốc 5G "Make by Viettel" đạt tốc độ tải xuống cao hơn gấp 10 lần so với 4G.


Báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, hiện nay có 3 doanh nghiệp là Viettel, VNPT, MobiFone được cấp phép triển khai 5G đã đăng ký kế hoạch triển khai hạ tầng mạng 5G, phấn đấu đạt mục tiêu triển khai số trạm 5G bằng 50% số trạm 4G hiện có trong năm 2025.

Dự kiến đến hết năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 68.457 trạm 5G, tương đương 57,5% số trạm 4G, phủ sóng 90% dân số và tiến tới phủ sóng 99% dân số vào năm 2030.

Sau khi Nghị định số 88/2025/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết số 193/2025/QH15 được ban hành, có 2 doanh nghiệp di động gửi văn bản đăng ký kế hoạch và dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G theo quy định của Nghị định 88/2025/NĐ-CPHiện chính sách đang hỗ trợ 15% khi doanh nghiệp triển khai đạt 20.000 trạm 5G. Tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ % dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ 5G là 26%.

Theo các nghiên cứu quốc tế, tốc độ mạng tăng 2 lần sẽ đóng góp trực tiếp 0,3% tăng trưởng GDP. Hạ tầng mạng nói chung cũng như 5G nói riêng cũng giống như hạ tầng giao thông, điện, nước. Cần phải được đầu tư đồng bộ, rộng khắp để phát huy được tối đa hiệu quả. Mạng di động cần đảm bảo đúng tính chất "di động", không thể phủ sóng chỉ các đô thị lớn mà thành mạng di động được.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, phía các doanh nghiệp viễn thông, hạ tầng thì phải được đầu tư trước, rồi kinh doanh sau. 5G đã trở thành xu hướng toàn cầu, nếu không đầu tư 5G chắc chắn sẽ tụt hậu, không còn đường đi tiếp. Viễn thông vẫn phải dựa trên cái gốc là phát triển, kinh doanh hạ tầng, hạ tầng chắc chắn phải được thúc đẩy đầu tư trước.  

Vì vậy, các cơ chế chính sách của Nhà nước đưa ra định hướng và thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai 5G trên toàn quốc để đem lại trải nghiệm hoàn chỉnh với người dùng, cũng như mở ra không gian mới cho doanh nghiệp viễn thông trong thời gian sắp tới.

Nếu không có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, họ có thể kéo dài thời gian đầu tư đến 2 - 3 năm, nhưng có chính sách, định hướng phù hợp thì các doanh nghiệp viễn thông sẽ tăng tốc và rút ngắn thời gian đầu tư xuống còn 1 năm sẽ phủ 5G cơ bản toàn quốc.

Hiện vẫn còn 238 thôn, bản lõm sóng, nơi đã có điện lưới quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương hoàn thành cơ sở hạ tầng trước 31/8/2025 và phát sóng chậm nhất trong tuần thứ 2 tháng 9/2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư