Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phú Yên: Giấc mơ ‘phú quý’ trên vùng đất ‘yên bình’
Hoàng Anh - 05/01/2015 09:37
 
() Năm 2014 chính thức khép lại, dư âm năm cũ đối với tỉnh Phú Yên đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, với sự kiện đánh dấu Phú Yên tròn 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh. Thời gian không nhiều, nhưng cũng ghi nhận bức tranh đa màu sắc, phản ánh chặng đường phát triển vượt bậc của địa phương.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phú Yên: Chính thức thông hầm Cổ Mã
Phú Yên: Liên kết các dự án động lực
Hồ Minh Hoàng: CEO của những công trường
Phú Yên điều chỉnh giấy phép siêu dự án du lịch
Động thổ Dự án Lọc dầu Vũng Rô: Kích hoạt kinh tế Phú Yên

Nỗ lực thay đổi

Nhiều người luôn đặt câu hỏi, Phú Yên ngày ấy và bây giờ khác nhau thế nào?

Dự án Lọc dầu Vũng Rô

Dự án Lọc dầu Vũng Rô được xem là bước đệm đủ mạnh để đưa kinh tế Phú Yên cất cánh. Ảnh: Hoàng Thủy

Các thế hệ lãnh đạo đã tiếp bước, nhưng với họ đều có chung niềm tự hào rất lớn: đó chính là, chỉ trong 25 năm, từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu nông nghiệp dần thu hẹp nhường chỗ cho các ngành công nghiệp, dịch vụ, vốn là điểm mạnh của vùng đất “phú quý và yên bình”.

Dù có “hà tiện” việc khen ngợi, thì cũng có thể chắc một điều rằng, ai cũng sẽ hài lòng trước sự thay đổi trong diện mạo địa phương, với những tuyến đường khang trang chia hai làn thẳng tắp, đan xen với những rặng cây xanh ven đường đã mang lại một Phú Yên vẻ hiện đại và đầy sức sống. Hình ảnh này như bức tranh miêu tả tính cách con người Phú Yên, luôn biết cách vượt qua khó khăn, gian khổ để hướng đến những điều tốt đẹp nhất.

Có lần ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ với chúng tôi rằng, ngày xưa, Phú Yên được xem như là mảnh đất bị cách ly với bên ngoài bởi những con đèo trắc trở đầy nguy hiểm, phía đông là biển xanh bao la, phía tây là núi rừng trùng điệp, hai đầu là đèo Cả và đèo Cù Mông án ngữ, khiến người Phú Yên dù cố gắng bao nhiêu cũng khó vươn lên được.

Bây giờ nhìn lại, từ Đảng bộ đến chính quyền và cả người dân Phú Yên đều chung mục tiêu là tháo nút thắt cản trở sự phát triển đó, biến Phú Yên thành cửa ngõ quan trọng cho cả vùng. Đó được coi là tiền đề cho sự bứt phá của Phú Yên.

Ông Cự bộc bạch, đôi lúc khó khăn cũng chính là động lực để phấn đấu, điều đó được xác định rõ nét trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhà trong việc tập trung phát triển những cửa ngõ quan trọng cho tỉnh nhà. Theo ông Cự, thì “cửa ngõ” đó chính là mở thông của hầm đèo Cả và đèo Cù Mông, nâng cấp các quốc lộ kết nối với Tây Nguyên và đầu tư hệ thống cảng biển, sân bay để mở toang cánh cửa phát triển cho Phú Yên.

Chiến lược đó đã được cụ thể hóa bằng các dự án hạ tầng quan trọng, mà năm 2014 đã ghi nhận bước tiến quan trọng bằng tiến độ tốc hành của Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Dự án Hầm đèo Cù Mông đã được bộ Giao thông - Vận tải cho chủ trương đầu tư, sân bay Tuy Hòa được nâng cấp, cảng Bãi Gốc đã được động thổ san lấp mặt bằng... Đó là những dấu hiệu tích cực nhất đối với Phú Yên trong năm 2014.

Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, dù đã lâu năm tại vị trí này nhưng vẫn không kiềm chế nổi cảm xúc khi nói về những bước tiến mang tính chiến lược của Phú Yên trong năm qua. Với ông, chỉ cần những nút thắt về hạ tầng được tháo gỡ, thì không lo gì Phú Yên không có nhà đầu tư tìm đến.

Ông Hiến tin rằng, về tổng thể, có lẽ Phú Yên chưa thật sự nổi bật về thu hút đầu tư, nhưng nếu nhìn vào tiềm năng và lợi thế hiện có kết hợp với những dự án động lực đã vào guồng, thì tương lai của Phú Yên sẽ rộng mở. Và ông cũng khẳng định rằng, khi hướng đi đã xác định rõ ràng thì giấc mơ “phú quý” nơi vùng đất “yên bình” này sẽ sớm thành hiện thực.

“Với Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô, đến nay đã động thổ san lấp mặt bằng và nhà đầu tư sẽ triển khai khởi công xây dựng trong thời gian sớm nhất, kết hợp với các dự án hạ tầng quan trọng như Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm đèo Cù Mông, Sân bay Tuy Hòa, hoặc các dự án du lịch như Sunrise Phú Yên, Vũng Rô Bay đang xúc tiến triển khai, Phú Yên kỳ vọng đã hội đủ điều kiện cần và đủ để tạo sức hút nguồn lực mang tính bước ngoặt cho sự phát triển của mình”, ông Hiến nhận định.

Thắng cảnh Phú Yên: Ngọn Hải Đăng, Mũi Điện
Bãi biển xanh mướt chưa có nhiều dấu chân người

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sao Việt đặt nhiều niềm tin vào định hướng phát triển của địa phương. Ông cho rằng, với tiềm năng du lịch Phú Yên, với nhiều địa danh nổi tiếng, nơi quy tụ hơn 23 di tích, thắng cảnh cấp quốc gia, khi được khai thông hệ thống hạ tầng, sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đổ về. Đó là điều kiện cần thiết để kích hoạt dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Theo ông Bảo, vấn đề lớn nhất của Phú Yên là hạ tầng, trong đó đường hàng không luôn đóng vai trò quyết định để đưa du lịch Phú Yên cất cánh. “Với nhiều nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong thời gian qua trong việc nâng cấp sân bay Tuy Hòa, xây dựng nhà ga mới đã góp phần đáng kể đưa du lịch Phú Yên phát triển”, ông Bảo nói.

Kỳ vọng bước đột phá

Như khẳng định của ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên rằng, điều mà lãnh đạo tỉnh mãn nguyện nhất và tiếp tục theo đuổi trong việc lựa chọn định hướng phát triển kinh tế tỉnh nhà là “bám sát vai trò cửa ngõ của Phú Yên trong việc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có Tây Nguyên, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Duyên hải miền Trung”.

Ông Lộc cho rằng, dù cánh cửa đã được khai thông bằng các dự án trọng điểm như cảng Bãi Gốc, Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm đèo Cù Mông, các tuyến quốc lộ kết nối Tây Nguyên... nhưng đây chỉ mới là điều kiện cần. Để phát huy lợi thế này, Phú Yên phải thúc đẩy công tác tuyên truyền, mở rộng quan hệ hợp tác qua đó mới phát huy lợi thế của mình trong thu hút đầu tư.

Nhìn vào nhận định của ông Lee Jung Un, Chủ tịch Công ty TNHH New City Properties Development, Chủ đầu tư dự án Tổ hợp du lịch Sun Rise Phú Yên, với quy mô lên đến 1 tỷ USD rằng, Phú Yên có nhiều nét tương đồng với Hàn Quốc, nơi có nhiều thắng cảnh hoang sơ. Vấn đề còn lại làm thế nào để khai thác tốt lợi thế này. Làm thế nào để thế giới biết đến Phú Yên, là vấn đề mà Phú Yên và cả nhà đầu tư cùng chung sức để triển khai.

Ông Lee Jung Un cho rằng, Phú Yên nên tham khảo cách đi của Hàn Quốc, đó là việc quảng bá hình ảnh thông qua các kịch bản phim truyện, bằng cách lấy thắng cảnh của Phú Yên làm nền cho các bộ phim. Khi ấy, chắc chắn thế giới sẽ biết nhiều về Phú Yên.

Nhìn nhận về cơ hội phát triển của Phú Yên, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, Chủ đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả cho rằng, các nút thắt hạ tầng khi được khơi thông, sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho tỉnh. Chưa kể, với vị trí là trung điểm của cả nước, Phú Yên sẽ là điểm đến được các nhà đầu tư lựa chọn.

Theo ông Hoàng, các nhà đầu tư luôn tính toán, sao cho chi phí thấp nhất là điểm mấu chốt để chọn điểm điểm đầu tư, nếu xét dưới góc độ đó, không có lý do gì nói Phú Yên không thể thu hút những dự án lớn trong tương lai.

“Trong vài năm tới, khi các dự án hạ tầng hoàn thiện, đặc biệt, Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô chính thức đi vào hoạt động, sẽ tạo ra hiệu ứng rất lớn trong thu hút đầu tư, trong đó phải kể đến các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành lọc hóa dầu và hậu lọc dầu”, ông Hoàng nhìn nhận.

Cùng cách nhìn này, ông Nguyễn Chí Hiến tin rằng, trong thời gian tới đây sẽ có những đột phá lớn trong xúc tiến đầu tư tỉnh nhà. Theo ông, bên cạnh lợi thế và những động lực hiện có, vấn đề cốt lõi là cần xây dựng một chiến lược xúc tiến đầu tư phù hợp với thực tiễn phát triển địa phương, trong đó xác định giải pháp xúc tiến đầu tư có trọng điểm thay vì đại trà, qua đó quy hoạch thu hút những dự án phù hợp với thế mạnh hiện có, với các đối tác có tiềm lực...

Hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, chỉ trong tương lai gần, chắc chắn, Phú Yên sẽ cất cánh bằng chính đôi cánh do mình tạo nên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư