Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Phú Yên lọt mắt xanh các nhà đầu tư du lịch
Ngọc Sơn - 09/06/2013 08:33
 
Khi nói về du lịch biển, dường như không ai nghĩ đến Phú Yên, bởi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết,  Vũng Tàu đã từ lâu nổi tiếng với những bãi biển đẹp, thậm chí là đẹp nhất thế giới. Vì thế, lần đầu đặt chân đến Phú Yên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những bãi biển đẹp, nhưng còn rất hoang sơ của vùng đất này.
TIN LIÊN QUAN

Du lịch Phú Yên được ví von như “nàng công chúa” đang ngủ,
chờ đánh thức. Ảnh: Hà Thanh

Nàng công chúa ngủ say

Vừa đến Tuy Hoà, sự tò mò của chúng tôi đã nổi lên khi Nguyễn Lê Vũ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên cứ quả quyết rằng, anh sẽ dẫn chúng tôi thăm một bãi biển mà có thể không có bãi biển nào đẹp hơn.

Vũ kể, từ bé, những người bản xứ như anh đã chết mê chết mệt với vẻ đẹp của bãi biển này.

Còn với khách du lịch, theo Vũ, nó như một hòn ngọc vẫn còn ẩn giấu.

Lại càng tò mò hơn, khi anh Trịnh Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sao Việt tiết lộ, Công ty của anh sẽ đầu tư 20 triệu USD để xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp trên bãi biển này.

Vòng vèo một lát qua con đường nhỏ len lỏi giữa các khu dân cư, cả đoàn chúng tôi như vỡ oà trước một khung cảnh như tranh vẽ: những bãi cát mịn, trắng phau trải dài ngút tầm mắt, biển xanh ngắt dưới nền trời xanh và trong vắt tới đáy, dù cách bờ vài chục mét. Hiếm có thể tìm được một bãi biển nào còn hoang sơ mà lại đẹp như thế, quả như lời Vũ nói.

Nhưng hoá ra, Bãi Xép mà chúng tôi đang nói đến không phải là bãi biển đẹp duy nhất ở Phú Yên. Dọc theo con đường ven biển kéo xuống phía Nam, hoặc ngược ra Bình Định ở phía Bắc, Phú Yên có những bãi biển đẹp mê hồn: nào là Bãi Môn – Mũi Điện với ngọn hải đăng hàng trăm năm tuổi, Bãi Tràm cực kỳ riêng tư vì nằm kẹp giữa 2 mỏm nút đá nhô ra biển, rồi Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Từ Nham… Những bãi biển này đều nằm trong những thắng cảnh tầm cỡ quốc gia, như vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, được tô điểm bởi những làng chài, làng nuôi thuỷ sản lô nhô trên biển.

Tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng biển của Phú Yên dường như vô tận. Nhưng lạ! Sao biển đẹp như vậy, mà Phú Yên lại hầu như không có khu du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ nào. Du lịch Phú Yên vẫn như nàng công chúa đang ngủ say chờ chàng hoàng tử đánh thức!

Hiện tại, Hòn Ngọc Bãi Tràm là khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng nhất và là dự án có vốn đầu tư nước ngoài duy nhất trong lĩnh vực du lịch đi vào hoạt động. Nhưng toàn bộ khu nghỉ dưỡng này cũng chỉ có 7 biệt thự. Lớn hơn là Khu nghỉ dưỡng Sao Việt của một nhà đầu tư đến từ TP.HCM, nhưng cũng chỉ có hơn 80 phòng.

Đem thắc mắc đó hỏi ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Nhất thừa nhận, nghịch lý này đã tồn tại từ lâu. Nhưng điều đó không có nghĩa là, Phú Yên không lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư du lịch.

Ông Nhất kể, trước đây, Phú Yên đã mất 3 năm liền xúc tiến và đàm phán với Tập đoàn Sama Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) về kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ USD để xây dựng các khu nghỉ dưỡng khổng lồ ở đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, Gành Đá Dĩa và nâng cấp Sân bay Tuy Hoà. Mọi nỗ lực của tỉnh đều dành cho việc đàm phán dự án này, nhưng khi các bên đã gần đi đến thống nhất các điều khoản, thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra và Sama Dubai đã buộc phải ngừng dự án.

Một nhà đầu tư đến từ Brunei cũng đăng ký đầu tư hơn 4,3 tỷ USD để xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Phú Yên tại Bãi Xép - Hòn Chùa. Theo kế hoạch, nhà đầu tư này sẽ xây dựng 8.500 phòng khách sạn, sân golf cũng như khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài. Nhưng cũng do tác động của khủng hoảng kinh tế, đại dự án này vẫn đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đến những dự án “khủng” ở Phú Yên đã cho thấy tiềm năng to lớn của mảnh đất duyên hải miền Trung này. Nhưng ông Nhất thừa nhận, du lịch Phú Yên hầu như chưa phát triển. Năm ngoái, toàn tỉnh đón hơn 500.000 lượt khách du lịch, nhưng chỉ có hơn 40.000 lượt khách quốc tế. Với lượng khách khiêm tốn như vậy, Phú Yên chưa thể sống nhờ vào du lịch.

Lọc dầu, mía đường, hay du lịch?

Quả thực, nếu xét về doanh thu cũng như tác động xã hội, thì các khu du lịch, khách sạn hiện nay ở Phú Yên hoạt động còn không hiệu quả bằng hai nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam.

Từ chỗ làm ăn thua lỗ do thiếu nguyên liệu ở Thừa Thiên Huế, năm 2000, KCP buộc phải chuyển nhà máy đến Phú Yên. Song từ năm 2004, KCP liên tục có lãi và doanh thu năm ngoái của công ty này đã vượt 80 triệu USD (bằng doanh thu mà ngành du lịch Phú Yên phấn đấu đạt được vào năm 2015).

KCP đã ký hợp đồng trồng mía với 9.300 hộ dân trên địa bàn 41 xã thuộc 5 huyện và tổng số tiền công ty này bỏ ra thu mua mía của nông dân trong 11 vụ đã lên đến 5.000 tỷ đồng, đồng thời, nộp thuế hơn 300 tỷ đồng.

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc KCP tiết lộ, Công ty đã nâng vốn đầu tư của dự án này từ 20 triệu USD lên 51 triệu USD và trong vòng 5 năm tới, sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng sản xuất.

Dù chưa có số liệu chính xác về nguồn thu mà ngành du lịch Phú Yên mang lại, nhưng cũng không khó để thấy rằng, với vài khách sạn như Cen Deluxe, Kaya, Hùng Vương, Bãi Tràm, thì đóng góp của “ngành công nghiệp không khói” tại Phú Yên còn thua xa KCP.

Liệu cơ cấu kinh tế của Phú Yên có thể đảo chiều trong tương lai, khi du lịch phát triển? Còn quá sớm để có thể tiên đoán, nhưng cũng không khó để nhận ra rằng, từ chính quyền đến người dân Phú Yên đang trông đợi vào một dự án được coi là sẽ tạo ra bước đột phát cho kinh tế, đó là Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô. Dường như, cả Phú Yên đang quyết tâm dồn sức để thực hiện dự án này. Lý do là, với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, nhà máy lọc dầu này dự kiến sẽ đóng thuế hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu “khủng” đối với một tỉnh nghèo như Phú Yên, bởi năm ngoái, thu ngân sách của toàn tỉnh chỉ đạt 1.300 tỷ đồng.

Đến ngay cả ông Trịnh Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sao Việt cũng đang trông chờ vào Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, bởi Sao Việt sẽ là một trong những người hưởng lợi đầu tiên, vì có thể cho các chuyên gia nước ngoài thuê biệt thự.

Nhưng như vậy không có nghĩa là Phú Yên sẽ bỏ lửng ngành du lịch. Phó chủ tịch Trần Quang Nhất khẳng định, trong định hướng phát triển đến năm 2020, Phú Yên hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước, một điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, đến năm 2015, Phú Yên phấn đấu đón khoảng 900.000 lượt du khách, trong đó có 100.000 du khách quốc tế. Số lượng buồng phòng khách sạn đến năm 2015 cũng dự kiến đạt con số 4.200, tăng gần gấp đôi so với hiện nay.

Động lực để du lịch Phú Yên cất cánh

Để đạt được mục tiêu được coi là còn khiêm tốn, Phú Yên đang tập trung giải quyết 2 nút thắt chính đối với ngành du lịch hiện nay. Đó là quảng bá, xúc tiến đầu tư - du lịch và cải thiện hệ thống giao thông.

Ông Trịnh Quang Bảo chỉ ra vấn đề nổi cộm nhất và cũng là vấn đề quan trọng nhất, có vai trò quyết định trong thu hút các nhà đầu tư và du khách đến với Phú Yên, đó là khó khăn về giao thông đường không và đường bộ. Bởi chẳng ai muốn đi du lịch Phú Yên, nếu mất tới 12 tiếng đi đường bộ từ TP.HCM. Còn muốn đi máy bay từ Hà Nội hay TP.HCM đến Phú Yên, thì khách phải dậy rất sớm, bay bằng máy bay nhỏ và giá vé lại cao. “Nếu vấn đề giao thông được khắc phục, thì không có lý do gì du lịch Phú Yên không phát triển”, ông Bảo quả quyết.

Hai dự án quan trọng mà những người làm du lịch như ông Bảo đang trông đợi là Nhà ga mới của Sân bay Tuy Hoà và hầm đường bộ Đèo Cả. Riêng hầm đường bộ Đèo Cả, với tổng vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Khi đó, thời gian di chuyển giữa Phú Yên và Khánh Hoà được rút ngắn đáng kể và tránh được đèo dốc nguy hiểm, nhờ thế, du lịch hai tỉnh có thể kết nối để cùng phát triển.

Hiện nay, Dự án xây dựng Khu dân dụng Cảng hàng không Tuy Hoà, với tổng vốn đầu tư 353 tỷ đồng, đang đi nước rút để có thể khai trương nhà ga mới vào tháng 9 năm nay. Khi đó, nhà ga mới sẽ có thể đón hơn 550.000 lượt khách mỗi năm, tăng gần 10 lần so với công suất của nhà ga cũ hiện nay.

Ông Phạm Ngọc Kình, Giám đốc Cảng hàng không Tuy Hoà cho biết, chất lượng đường băng của Sân bay Tuy Hoà rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cả Sân bay Cam Ranh, nên trong tương lai, hoàn toàn có thể đón được các máy bay lớn như Airbus 320/321, Boeing 777. Một con đường lớn rộng thênh thang chạy qua sân bay về TP. Tuy Hoà cũng đang được hoàn thiện.

Xem ra, một “đường băng” cho du lịch Phú Yên cất cánh đang hình thành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư