Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phương thức ưu việt của tín dụng chính sách
B.T - 05/10/2020 20:39
 
Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội là sáng tạo và đã khẳng định tính ưu việt riêng có của tín dụng chính sách xã hội.
Nguồn vốn chính sách được giải ngân kịp thời qua các điểm giao dịch xã hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn vốn chính sách được giải ngân kịp thời qua các điểm giao dịch xã hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế gia đình.

Phương thức truyền tải hiệu quả

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015 - 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, hơn 5 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân Việt Nam liên tục tăng, từ 42.623 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 67.442 tỷ đồng vào ngày 31/8/2020, tăng 24.819 tỷ đồng (+58,23%), chiếm 30,58% tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội.

Xác định tín dụng chính sách là chính sách quan trọng, là cơ hội vươn lên làm giàu cho người nghèo, ở mỗi cấp, Hội Nông dân Việt Nam đã phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách và bố trí cán bộ, bộ phận chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện. Cơ chế ủy thác cho vay được các cấp Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.

Với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Trong 5 năm qua, Hội luôn là tổ chức có dư nợ cao nhất trong các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, đến ngày 31/8/2020 đạt trên 85.360 tỷ đồng, tăng hơn 33.800 tỷ đồng so với năm 2014. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,21% (giảm 0,13% so với ngày 31/12/2014).

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức chính trị xã hội thực hiện có hiệu quả phương thức ủy thác, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, tạo bước chuyển đột phá cho hoạt động tín dụng chính sách trong giai đoạn 2015 - 2020.

Đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội); tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%, với mạng lưới 173.712 tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ. Chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao, nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến ngày 31/8/2020 còn 0,25%.

Tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng

“Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức; thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên. Phương thức ủy thác và mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn là một kênh dẫn vốn hiệu quả, là một cách làm hay, một mô hình sáng tạo. Hiệu quả cao nhất chính là góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, Phó trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam khẳng định tại Hội nghị.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ trong thời gian tới, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: “Trong giai đoạn tiếp theo, hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được thụ hưởng các chương trình tín dụng và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp”.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác chủ động phối hợp thực hiện tốt việc tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW; tích cực huy động nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 “Xuyên suốt thời gian qua, các tổ chức chính trị xã hội cùng đồng hành với Ngân hàng Chính sách xã hội luôn thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, đã tạo nên sự thành công của tín dụng chính sách xã hội, được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục duy trì và phát triển sự thành công đó”, ông Dương Quyết Thắng đặt niềm tin.

Tăng cường hiệu quả tín dụng chính sách
Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách để thoát nghèo, làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư