Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
PV Oil chờ đối tác lớn
Hoàng Nam - 13/12/2017 08:23
 
Việc phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí được kỳ vọng tạo ra những đợt sóng lớn trên thị trường, đồng thời tạo cơ hội mở cho đối tác lớn.
TIN LIÊN QUAN

Nhà đầu tư chiến lược được mua tới 44,71% cổ phần

Vào cuối tuần qua, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVP) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Theo phương án được phê duyệt, PV Oil có vốn điều lệ là 10.342 tỷ đồng và giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phiếu. PVN sẽ nắm giữ 35,1% vốn điều lệ; 20% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai và nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua tới 44,72%.

Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, PV Oil có vốn điều lệ là 10.342 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, PV Oil có vốn điều lệ là 10.342 tỷ đồng.

Tại PVP, vốn điều lệ được xác định là 23.418 tỷ đồng và giá bán khởi điểm là 14.400 đồng/cổ phiếu. PVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lê. Sẽ có 20% vốn điều lệ được bán đấu giá công khai; nhà đầu tư chiến lược được mua 28,882% vốn điều lệ.

“Khủng” nhất trong số 3 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa lần này là BSR với vốn điều lệ được xác định là 31.004 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức vốn điều lệ này chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Với BSR, PVN thay mặt Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ 43% vốn điều lệ. Phần bán đấu giá công khai là 7,79% vốn điều lệ và nhà đầu tư chiến lược cũng được mua tới 49% vốn điều lệ.

Tại cả PVP và BSR, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tối đa chỉ là 49%. Theo phê duyệt, thời gian thực hiện bán cổ phần của các doanh nghiệp là 3 tháng, kể từ ngày 8/12/2017.

Với quyết định cổ phần hóa 3 doanh nghiệp nói trên, hiện PVN chỉ còn lại duy nhất 1 đơn vị cấp Tổng công ty mà Nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP). Lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí cũng là lĩnh vực quan trọng nhất và đóng góp chính cho kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN.

Cơ hội đến từ doanh nghiệp đầu mối

Ngay ở thời điểm phương án cổ phần hóa được phê duyệt, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil cho hay, theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa vào cuối tháng 1/2018.

Ông Dương cũng đánh giá rất cao việc nhà đầu tư chiến lược được nắm giữ tới 44,72% vốn điều lệ của PV Oil, bởi điều này giúp nhà đầu tư có thể tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp, chứ không chỉ thuần túy bỏ vốn và có quyền bỏ phiếu cho các kế hoạch hoạt động.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phê duyệt phương án cổ phần hóa của PV Oil là không hề nhắc tới sự tham gia của khối ngoại. Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có quyền tham gia mảng bán lẻ xăng dầu thông qua mua cổ phần trong công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối nếu có tham gia đầu tư vào nhà máy lọc dầu.

Như vậy, với trường hợp PV Oil, chỉ khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của BSR hoặc chính là 3 đối tác ngoại đang góp vốn trong Công ty liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn có mong muốn, thì PV Oil mới có cổ đông ngoại.

Hiện 2 đối tác gồm Idenmitsu và KPI của Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã thành lập Công ty TNHH Idenmitsu Q8 để kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nhưng chỉ mới đưa vào vận hành được 1 cửa hàng tại Hà Nội.

PV Oil đang sở hữu 540 cửa hàng xăng dầu và gần 3.000 cửa hàng xăng dầu của các tổng đại lý, đại lý khác trong toàn quốc, nên việc cổ phần hóa của PV Oil rất có thể có những bất ngờ mới. 

Theo ông Dương, dư địa cho thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam còn rất lớn, nếu tính theo mức tiêu thụ xăng trên đầu người, cũng như khả năng phát triển của nền kinh tế. Các số liệu thống kê cho thấy, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện chỉ khoảng 17 - 19 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 65% được nhập khẩu. Với quy định hiện hành về chi phí kinh doanh bình quân định mức cho xăng E5, E10 là 1.250 đồng/lít; xăng không chì là 1.050 đồng/lít; dầu diesel, dầu hoả là 950 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu nào có tỷ trọng bán đến tay người tiêu dùng lớn thì lợi nhuận càng cao, bởi không phải trích nhiều cho các đại lý.

Hiện Petrolimex chiếm 44% thị phần xăng dầu cả nước, trong đó tỷ trọng bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng ở ngưỡng trên 50%; bán trực tiếp cho các khách hàng công nghiệp khoảng 20% và có kinh nghiệm trên 50 năm chỉ kinh doanh mặt hàng xăng dầu nên có nhiều lợi thế về thị trường.

Petrolimex cũng gặp trần giới hạn khi không thể gia tăng thị phần trên 50% theo Luật Cạnh tranh. Cộng thêm việc Nhà nước sẽ giữ từ 65 - 75% số cổ phần, nên cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài “thay da, đổi thịt” và tiếp tục mở rộng  thị phần của Petrolimex không có nhiều. Bởi vậy, cơ hội để tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến từ những doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu còn lại như PV Oil.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư