Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quản lý kinh doanh bất động sản tại Đà Nẵng - Quảng Nam: Hệ lụy từ những dự án “bánh vẽ”
Hoàng Anh - 21/04/2019 08:59
 
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
.
Để tăng giá trị những lô đất rao bán, “cò” không ngần ngại tung những tin đồn vô căn cứ để trục lợi.

Dự án “ma” và những tin đồn vô căn cứ

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Đà Nẵng) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Bích Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Quảng Đà (trụ sở tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Theo điều tra ban đầu, Thuận đã chỉ đạo nhân viên vẽ ra “dự án ma” mang tên Dự án Khu dân cư Nam Cẩm Lệ và  thực hiện việc phân lô với các diện tích khác nhau để giới thiệu tới khách hàng. 

Cơ quan công an TP. Đà Nẵng xác định, thông qua đơn vị môi giới, Thuận đã nhận tiền cọc 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân của khách hàng, những lô đất này được rao bán với giá thấp hơn thị trường vì vậy khiến nhiều người mắc bẫy. 

Ngay sau khi sự việc bị phát hiện, Thuận có trả lại tiền cọc cho một số khách hàng. Đầu tháng 1/2019, Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án ma trên đường Đô Đốc Lân. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, công ty của bà Thuận vẫn ngang nhiên rao bán những lô đất ở dự án trên. Thậm chí, nhiều lô đất còn được tăng giá so với trước đây khiến nhiều nạn nhân bị dính bẫy lừa. Theo một cán bộ điều tra, mỗi lô đất, công ty bà Thuận ra giá từ 2,3 - 2,5 tỷ đồng và yêu cầu khách phải đặt cọc mua đất từ 100 - 300 triệu đồng/lô. Sau khi nhận tiền đặt cọc thì Thuận chiếm đoạt. 

Tại Quảng Nam, câu chuyện chủ đầu tư Bách Đạt An và công ty phân phối là Hoàng Nhất Nam tổ chức bán đất nền tại 3 dự án ở Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc khi chưa được chính quyền cấp phép vì vậy không thể cấp sổ đỏ. Điều đáng nói, hơn 1.000 người dân đã đóng 95% tiền mua đất tại các dự án này, bây giờ, tiền mất tật mang, phải chờ giải quyết của tòa án.  

Đáng chú ý, để tăng giá trị những lô đất rao bán, “cò” không ngần ngại tung những tin đồn vô căn cứ để trục lợi. 

Vào tháng 11/2018, xuất hiện văn bản giả mạo của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng với tiêu đề “V/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”, nhằm “thổi” giá đất ở khu vực Hòa Xuân. Sau đó lại có văn bản giả có dấu mộc, tên cùng hình ảnh chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn 5 sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại phường Cẩm Nam (TP. Hội An). Không những thế, giới “cò đất” còn tung tin về chủ trương tách một số xã của huyện Hòa Vang để thành lập một đơn vị hành chính cấp quận, hay sáp nhập một số địa phương của Thị xã Điện Bàn vào TP. Đà Nẵng… để tạo nên những cơn sốt đất cục bộ tại những khu vực đó.

Siết chặt quản lý: Muộn còn hơn không

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng và  Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai. 

Thực tế cho thấy, những tin đồn thất thiệt và những dự án “bánh vẽ” đã khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam chao đảo. Trước thực trạng này, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam đã triển khai việc siết chặt việc quản lý, kinh doanh bất động sản. Vừa qua, các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) đã ra quân tháo dỡ những ki - ốt kinh doanh bất động sản trái phép trên địa bàn. 

Ngày 14/3, Thường trực Thành ủy TP. Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo địa phương, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân kinh doanh, môi giới bất động sản tung tin thất thiệt trên mạng xã hội nhằm mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, địa phương đã tháo dỡ 288 ki ốt bất động sản xây dựng trái phép. “Chúng tôi xử lý triệt để, những ki - ốt trái phép còn lại sẽ xử lý ngay trong thời gian tiếp theo. Việc này đã có tác động tích cực, khi trên địa bàn sẽ không còn những địa điểm trực tiếp thực hiện các giao dịch để cụ thể hóa tình trạng thổi giá đất. Thị trường bất động sản sẽ vận hành thực chất hơn”, ông Nhường nói. 

Trước thực trạng, một số tổ chức, cá nhân, đối tượng môi giới, “cò đất” sử dụng nhiều “chiêu trò”, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu UBND Thành phố chỉ đạo các ngành chức năng và lực lượng công an Thành phố tăng cường công tác kiểm tra; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Còn tại Quảng Nam, trước những khiếu kiện của người dân khi mua đất trong dự án của Công ty Bách Đạt An, Thanh tra tỉnh đang tiến hành thanh tra toàn diện tất cả các dự án do Công ty này thực hiện tại Khu đô thị Điện Nam Điện Ngọc. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, Công ty Bách Đạt An đã phân lô, nhận tiền đặt cọc của khách hàng khi nhận 105 ha đất, tất cả 6 dự án của Bách Đạt An chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn thiếu cơ sở pháp lý nên chưa được Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cũng đã có thông báo gửi các ngành, xã, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trên địa bàn về việc tháo dỡ các ki-ốt, lều quán xây dựng trái phép ở vỉa hè, lòng đường, lề đường, đất các dự án liên quan đến hoạt động quảng cáo kinh doanh bất động sản trên địa bàn. UBND thị xã Điện Bàn yêu cầu các tổ chức, cá nhân xây dựng lều quán, ki - ốt, container trái phép trên vỉa hè phải khẩn trương tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, trả nguyên hiện trạng ban đầu trước ngày 12/4/2019. Nếu quá thời hạn mà tổ chức, cá nhân chây ỳ, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính và tiến hành tháo dỡ. 

Việc Quảng Nam và Đà Nẵng siết chặt quản lý thị trường bất động sản đã mang lại hiệu quả, theo điều tra của phóng viên Báo Đầu tư, tại nhiều khu vực, giá bán đất nền đã bắt đầu giảm nhiệt.

M&A - “cơ hội vàng” cho giới kinh doanh bất động sản Việt Nam
Năm 2017 được nhận định làm một năm bùng nổ của M&A các dự án bất động sản. Tuy nhiên, đa phần thông tin đều được bảo mật hoặc giá trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư