Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quản lý thực phẩm chức năng: Đã lỏng lẻo còn chồng chéo
Thu Trang (HNM) - 11/04/2016 09:58
 
Nếu như năm 2000, cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất, với 63 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) thì đến nay, đã có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, với hơn 20.000 sản phẩm TPCN được công bố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN bùng nổ nhưng công tác quản lý lại bộc lộ sự lỏng lẻo và chồng chéo dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, tràn lan TPCN giả, kém chất lượng trên thị trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng nhập lậu vừa bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN
Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng nhập lậu vừa bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN

Nhiều sản phẩm trong nước vi phạm

Hiện nay nhu cầu sử dụng TPCN tăng nhanh và ngày càng phổ biến. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Phong cho rằng, hiện khoảng 60-70% người trưởng thành có sử dụng TPCN. 60-65% TPCN được sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu. Hầu hết sản phẩm TPCN bị cơ quan chức năng xử phạt, thu hồi do vi phạm quy định về chất lượng là sản phẩm sản xuất trong nước với các lỗi như: Hàm lượng thành phần không đúng như công bố; không phát hiện hoạt chất; ô nhiễm vi sinh; nấm mốc… "Có doanh nghiệp chỉ thuê cửa hàng rộng 9m2-10m2 nhưng vẫn công bố sản xuất, kinh doanh TPCN. Khi sản phẩm phân phối ra thị trường "có vấn đề", cơ quan quản lý truy địa chỉ sản xuất thì họ đã chuyển địa điểm khác. Thậm chí, có doanh nghiệp liên tục thay đổi địa chỉ khiến cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn", ông Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam thừa nhận, điều kiện đăng ký sản xuất, lưu hành TPCN ở Việt Nam rất dễ. Trong khi đó, nước ta chưa có quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN. Bởi vậy, đã xuất hiện TPCN có chứa cả chất cấm. Ngoài ra, tình trạng TPCN xách tay, nhập lậu tràn lan, không bảo đảm chất lượng, an toàn cũng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Như trường hợp của ông Âu Xuân Kiên (Tổ 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên), do thường xuyên bị đau lưng nên ông đã tin lời quảng cáo trên website bán hàng, mua TPCN giúp hỗ trợ điều trị xương khớp về sử dụng. Thế nhưng dùng hết một số lọ mà tình trạng đau lưng chẳng hề được cải thiện…

Theo Cục ATTP, trong các vi phạm về hoạt động kinh doanh TPCN, quảng cáo là vi phạm thường gặp nhất. Riêng quý I-2016 đã có 20 công ty bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, trong đó 13 công ty vi phạm về quảng cáo TPCN. Riêng trong năm 2015, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt 261 công ty với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó có 203 công ty vi phạm về quảng cáo, chủ yếu là quảng cáo TPCN.

Quản lý chồng chéo?

Vì không được coi là thuốc nên doanh nghiệp không được sản xuất TPCN trên dây chuyền sản xuất thuốc, thế nhưng dự thảo hướng dẫn "Thực hành sản xuất tốt TPCN" lại cho phép. Ông Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho biết, năm 2012, Cục Quản lý dược kiểm tra công ty và yêu cầu không được sản xuất TPCN trên dây chuyền thuốc Đông dược, nhưng Cục ATTP lại cho phép. Dù vậy, công ty đã phải đầu tư dây chuyền sản xuất TPCN riêng gây tốn kém.

Về vấn đề này, ông Trần Đáng cho rằng, cần phải có quy định thống nhất giữa Cục Quản lý dược và Cục ATTP, nếu mỗi cơ quan quản lý một kiểu sẽ làm khó doanh nghiệp. Cũng theo ông Trần Đáng, TPCN chỉ là vi chất dinh dưỡng được cô đặc, chế biến dưới dạng viên nén, viên con nhộng như thuốc chứ không phải là thuốc. TPCN đang nằm trong sự điều chỉnh của Luật ATTP, nên không cần chuyển sang Luật Dược.

Đề cập đến thực trạng bát nháo của thị trường TPCN hiện nay, ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau… chính là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN rối loạn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển - nơi mà quy mô của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng còn thấp. Cũng theo ông Lê Văn Truyền, để sản phẩm TPCN kém chất lượng lưu thông trên thị trường, đến tay người tiêu dùng là lỗi ở cơ quan quản lý. Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng chất lượng hay kém chất lượng, vì vậy các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Bộ Y tế, tháng 6-2017 sẽ ban hành Thông tư về "thực hành sản xuất tốt (GMP) TPCN". Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, khi áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn sẽ "khai tử" những doanh nghiệp yếu kém, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn". Ước tính, số doanh nghiệp bị khai tử có thể lên đến 50%, do không đủ điều kiện theo chuẩn GMP.

Trước mắt, nhằm chấn chỉnh tình trạng TPCN bị thổi phồng có công dụng chữa bệnh như hiện nay, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ ngày 1-5 tới, trong đó nghiêm cấm việc kê TPCN vào đơn thuốc.
PGS.TS Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam: TPCN vốn chỉ là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe như thực phẩm, chứ không phải là thuốc chữa bệnh nhưng được bào chế dưới dạng viên, nước, dạng bột… Cơ quan chức năng phải thống nhất được biện pháp quản lý, không làm rối thêm "ma trận" TPCN.

Ông Nguyễn Tiến Vũ, Phó phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, các mặt hàng vi phạm chất lượng chủ yếu tập trung vào các nhãn hàng TPCN dành cho xương khớp, giảm cân, tăng cường sinh lực. Người tiêu dùng có thể vào trang web: http://vfa.gov.vn của Cục ATTP để tham khảo, kiểm tra, so sánh, đối chiếu về chất lượng sản phẩm.
Dược phẩm ngoại khuynh đảo thị trường
Nhu cầu tiêu thụ dược phẩm ngày càng tăng khiến nhập khẩu dược phẩm các loại tăng mạnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư