Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Quảng Bình định vị điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á
Thanh Hoài - 24/06/2023 08:17
 
Sở hữu tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình hướng đến trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Quảng Bình sở hữu nhiều tiềm năng du lịch vượt trội, có thể trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: hang Sơn Đoòng (bên trái), động Thiên Đường (bên phải)
Hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình sở hữu nhiều tiềm năng du lịch vượt trội, có thể trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Quảng Bình sở hữu 116 km bờ biển, tựa lưng vào không gian núi đồi trùng điệp với hơn 200 km tiếp giáp với biên giới Lào, đây là những lợi thế nổi bật giúp địa phương phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó có du lịch. Không những vậy, Quảng Bình còn có lợi thế khác biệt nhờ sở hữu hệ thống hang động có một không hai, chính điều này đã đưa Quảng Bình trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.

Khác biệt tạo nên sự nổi trội, mang đến lợi thế so sánh cho Quảng Bình. Chính yếu tố này tạo nền tảng trong tầm nhìn quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Quảng Bình sẽ tập trung phát triển du lịch là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững.

“Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc. Bản sắc riêng của ngành kinh tế xanh Quảng Bình chính là du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp”, ông Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến phương án phát triển các khu, điểm du lịch, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã định hướng phương án phát triển theo 4 cụm chính.

Cụm A với Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển khu du lịch này trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, trong đó sản phẩm đặc trưng là thám hiểm hang động và nghiên cứu…

“Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng sở hữu nhiều hang động kỳ bí, thu hút nhiều nhà thám hiểm, nhà khoa học, du khách trải nghiệm như động Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm, hang Va, thung lũng Sinh tồn, hang Thủy cung…”, ông Quý cho biết.

Cụm B được xác định là TP. Đồng Hới và các khu vực du lịch biển phụ cận. Với cụm này, Quảng Bình ưu tiên hỗ trợ phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc bờ biển, trong đó có những điểm du lịch cao cấp như sân golf, biệt thự. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đặt mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch ven sông Nhật Lệ, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí tại TP. Đồng Hới, các khu nghỉ dưỡng theo mô hình cộng đồng.

“Định hướng này được Quảng Bình triển khai thu hút đầu tư mạnh. Tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển kéo dài 86 km từ Nam Roòm đến Vĩnh Linh, đồng thời đầu tư một số cây cầu bắc qua sông Nhật Lệ, mục tiêu là thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và đô thị ven biển trong thời gian tới”, ông Quý thông tin.

Cụm C trong phương án phát triển các khu du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là khu vực phía Nam tỉnh Quảng Bình, định hướng sẽ là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng. Khu vực này sở hữu các địa điểm tâm linh như chùa Non - núi Thần Đinh, chùa Hoàng Phúc, nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang… Đây là những điều kiện cơ bản để định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa, lịch sử.

Cụm D được xác định các địa phương thuộc phía Bắc tỉnh Quảng Bình, nơi có khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sơn Quan, đền Thánh mẫu, làng văn hóa Cảnh Dương, chợ phiên Ba Đồn, thác Bụt, giếng Nguồn…

Nhiều chuyên gia nhận định, Quảng Bình là một trong số ít địa phương có điều kiện tốt để phát triển du lịch, nhờ sở hữu sông, bãi biển kéo dài. Đặc biệt, đây là nơi có thể phát triển các loại hình du lịch cho du khách tham quan 4 mùa, nhờ vào những sản phẩm đặc trưng. Quảng Bình xác định du lịch, dịch vụ và các sản phẩm phát triển theo du lịch sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giúp tỉnh trở thành một trong những địa phương phát triển khá ở khu vực Bắc miền Trung trong thời gian tới.

Động Thiên Đường
Động Thiên Đường.

Chờ nhà đầu tư kích hoạt

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ, nhận diện được tiềm năng, lợi thế đặc thù và định hướng phát triển cho du lịch mới chỉ là bước đầu. Để phát huy được tiềm năng này, cần sự chung tay của các tầng lớp xã hội, sự đồng hành của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Thắng, những danh lam thắng cảnh, hang động kỳ vĩ, bãi biển cát trắng trải dài sẽ là vô nghĩa nếu không có hạ tầng kết nối, hạ tầng phục vụ du khách. Điều quan trọng nhất là thu hút và giữ khách ở lại Quảng Bình, làm sao để du khách quay lại Quảng Bình nhiều lần, mang hình ảnh một Quảng Bình xinh đẹp, thân thiện đi đến nhiều quốc gia trên thế giới. Khi đó, Quảng Bình mới thực sự là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Liên quan đến đầu tư, phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, việc kêu gọi đầu tư vào du lịch Quảng Bình cần những nhà đầu tư có tâm, có tầm, có định hướng đầu tư dài hạn, đồng hành với địa phương nuôi dưỡng, hình thành các sản phẩm du lịch giá trị trải nghiệm cao, gắn với phát triển bền vững, định vị thương hiệu du lịch sinh thái, khám phá chất lượng cao, đẳng cấp thế giới.

“Quảng Bình cần các nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy những dự án hạ tầng du lịch lớn, có trọng tâm, trọng điểm, có ý tưởng đầu tư phù hợp với định hướng phát triển du lịch. Huy động và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch, cũng như vận động sự tham gia tích cực của cộng đồng, bởi cộng đồng cũng là một nhà đầu tư, góp phần quan trọng hình thành sản phẩm du lịch mang tính bản địa”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Du lịch là lĩnh vực mang tính tổng hợp. Để biến Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, cần sự vào cuộc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong rất nhiều hạng mục, trong đó có dịch vụ, hạ tầng lưu trú, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ kinh tế đêm, các sản phẩm giá trị cao từ du lịch…

Về vấn đề này, Quảng Bình đã đưa vào quy hoạch mang tính định hướng chiến lược. Theo đó, trên cơ sở phát triển du lịch và phương án phân bổ đất đai đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu duy trì 2 sân golf hiện có tại huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới, đồng thời đề xuất phát triển thêm 2 sân golf tại huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh. Đến năm 2030, Quảng Bình sẽ có 4 sân golf phục vụ khách trong nước và quốc tế.

Động Thiên Đường
Động Thiên Đường.

Bên cạnh đó, Quảng Bình xem xét phát triển thêm các sân golf, khu thể thao gắn với du lịch nghỉ dưỡng và đô thị tại các vị trí phù hợp, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan khác và đảm bảo các quy định pháp luật.

Quảng Bình xác định tuyến đường ven biển là một trong 3 hành lang kinh tế quan trọng để phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch. Hiện nay, tuyến đường ven biển đang triển khai xây dựng, mở ra hướng đầu tư đầy tiềm năng trong lĩnh vực hạ tầng du lịch biển như khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị biển.

Điển hình trong dòng đầu tư phân khúc du lịch ven biển này là Dự án Khu đô thị phức hợp quốc tế Regal Ocean của Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Trung. Dự án là khu đô thị phức hợp đẳng cấp quốc tế có quy mô 21 ha với đa dạng loại hình bất động sản. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là 5 tòa tháp cao 30-39 tầng, được thiết kế đầy đủ trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao quốc tế, căn hộ ở, riêng khu thấp tầng có dãy nhà ở kết hợp kinh doanh (shophouse), villa shop, nhà liền kề, biệt thự ven hồ, khu dịch vụ 5 sao quanh hồ cảnh quan, phố đi bộ ban đêm.

Ông Trần Ngọc Thái, Phó tổng giám đốc Đất Xanh Miền Trung nhìn nhận, Quảng Bình xây dựng tuyến đường ven biển đã mở ra cơ hội lớn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng du lịch. Các dự án tổ hợp vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, sân golf… là một trong những hạng mục quan trọng, giúp tăng giá trị của điểm đến. Đây cũng là nhân tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến và lưu trú lâu hơn.

“Quảng Bình sở hữu tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, vấn đề là cần những nhà đầu tư có tiềm lực để kích hoạt tiềm năng này, biến lợi thế thành giá trị kinh tế, từ đó có thêm nguồn lực đê thúc đẩy phát triển du lịch lên tầm cao mới, có nguồn lực để bảo tồn, gìn giữ giá trị mà địa phương đang có”, ông Thái nói.

Quảng Bình từng bước 'hiện thực hoá' 10 cam kết với nhà đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, Quảng Bình vẫn đang tích cực triển khai thực hiện 10 cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư