Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ngãi: Xóa vùng lõm đô thị bờ Nam, vẫn lo ngại sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc
Hà Minh - 30/03/2019 11:55
 
Với việc đầu tư dự án khu dân cư IV-B3 kết hợp chỉnh trang đô thị thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi xóa thành công vùng lõm đô thị cuối cùng trên tuyến bờ kè phía Nam sông Trà Khúc từ cầu Trà Khúc 1 đến cầu Trường Xuân. Tuy nhiên, phía Bắc sông Trà Khúc (cũng chiều dài này) hiện tượng sạt lở diễn ra nhanh lại khiến chính quyền và người dân lo lắng.

Tuyến kè sông Trà Khúc dài hơn 2km từ cầu Trà Khúc cũ đến đầu cầu đường sắt (cầu Trường Xuân) đã được thi công cùng hạng mục đường giao thông hoàn thiện từ nhiều năm nay.

Đây là công trình cụ thể thể hóa chiến lược xây dựng đô thị hướng sông của Quảng Ngãi, tiền đề để bản quy hoạch lấy sông Trà Khúc làm điểm nhấn để xây dựng và phát triển TP.Quảng Ngãi theo hướng hiện đại, thông minh và sinh thái đã được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt.

Thi công mặt bằng Khu dân cứ B3-IV-B3 kết hợp chỉnh trang đô thị thành phố Quảng Ngãi
Thi công mặt bằng Khu dân cư B3-IV kết hợp chỉnh trang đô thị thành phố Quảng Ngãi

Từ ngày tuyến kè sông Trà Khúc được đầu tư, mùa mưa, thành phố Quảng Ngãi cơ bản cắt được ngập lụt từ sông Trà Khúc tràn vào. Bộ mặt đô thị hướng sông được đẩy mạnh bằng các dự án cao ốc, khách sạn, các khu biệt thự, nhà liền kề… Tuyến kè sông Trà Khúc cũng được thành phố Quảng Ngãi quy hoạch xây dựng chợ đêm phục vụ người dân và du khách.

Vậy nhưng, cũng nằm trên tuyến này, điểm cuối của tuyến đường là Khu dân cư IV-B3 thuộc tổ 17, phường Trần Phú lại như vùng lõm, khác xa hoàn toàn với khu dân cư lân cận khi mà đã bao năm nay người dân nơi đây chịu cảnh ngập lụt dù chỉ là cơn mưa không đủ lớn.

“Khu dân cư này lọt thỏm giữa 3 tuyến giao thông, cây dại mọc um tùm như vùng hoang hóa nên mỗi khi mưa xuống là như túi đựng nước. Ban đầu không có cống thoát, nước ngâm lâu ngày gây nên tình trạng ao tù, nước đọng, côn trùng sản sinh tấn công người dân, nguồn nước ô nhiễm khiến dân cư lo lắng vì bệnh tật. Sau này khi đã bổ sung hạng mục cống cho nước chảy ra sông Trà Khúc nhưng khi lượng nước trên nguồn đổ về nhiều thì lại bị nước từ sông tràn vào do cos nền thấp hơn mực nước lũ…”- Tổ trưởng tổ dân phố tổ 17 chia sẻ.

Còn qua nhiều lần tiếp xúc với người dân và đến trực tiếp vị trí này, chúng tôi ghi nhận không có năm nào mưa xuống mà người dân không kiến nghị được di dời đi nơi khác tái định cư để cuộc sống đỡ vất vả hơn.

“Năm nào cũng kiến nghị, cũng phản ánh tại các cuộc họp HĐND nhưng mãi đến năm nay thành phố mới cho đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Người dân đa phần tự nguyện di dời để thành phố thực hiện chỉnh trang đô thị khang trang, sạch đẹp” – ông Nguyễn Tấn, cho biết.

Nếu bờ kè phía Nam sông Trà Khúc đã hoàn thiện và đồng bộ đô thị, người dân đồng tình, hưởng ứng và vui mừng thì đoạn bờ bắc từ cầu Trà Khúc 1 đến cầu Trường Xuân thuộc huyện Sơn Tịnh vẫn còn là bờ đất. Qua các mùa mưa lũ, khu vực này xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn.

Để khắc phục tạm thời các vị trí sạt lở này, UBND TP.Quảng Ngãi chỉ đạo các phường liên quan dùng lưới B40, bao tải cát... gia cố giữ đất, giữ làng tránh thiệt hại cho người dân.

Trong khi đó, bờ Bắc sông Trà Khúc đang đối diện với tình trạng sạt lở nhanh khiến việc quy hoạch và xây dựng đô thị hướng sông của Quảng Ngãi gặp khó khăn
Trong khi đó, bờ Bắc sông Trà Khúc đang đối diện với tình trạng sạt lở nhanh khiến việc quy hoạch và xây dựng đô thị hướng sông của Quảng Ngãi gặp khó khăn

Ông Trương Văn Lạng, nhà ở mặt tiền đường Tế Hanh cho biết: Trước đây, sông Trà Khúc cách bờ hơn 30m, nhưng nay nằm sát bên đường và mùa mưa lũ nước chảy rất mạnh. Nếu không làm kè kiên cố, chỉ cần vài trận lũ lớn là tuyến đường này có nguy cơ bị sạt lở.

Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi thổ lộ rằng thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh phân bổ kinh phí đầu tư, trong đó ưu tiên đoạn từ cầu Trà Khúc 1 đến núi Sứa, với tổng kinh phí 45 tỷ đồng. Đồng thời, lắp đặt cửa van tại cầu Núi Sứa để tránh ngập úng cho người dân phường Trương Quang Trọng và xã Tịnh Ấn Tây nhưng vẫn... bí vốn.

Để có nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản kiến nghị Chính phủ đưa công trình vào diện cần bố trí vốn để thực hiện theo hình thức công trình khẩn cấp và sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều văn bản gửi đến các bộ, ngành trung ương và WB, song từ năm 2016 đến nay, dự án vẫn chưa có vốn.

Quảng Ngãi: Năm 2019 thu hút đầu tư chú trọng chất lượng dự án
Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư các dự án lớn về công nghiệp, du lịch, bất động sản… Để tận dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư