Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh sáp nhập TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ: Xác lập vị thế mới
Thu Lê - 30/10/2019 08:15
 
Với mục tiêu tạo hạt nhân khởi động đủ tầm để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, Quảng Ninh đang từng bước, cẩn trọng thực hiện việc sáp nhập TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ trong năm 2019 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Việc sáp nhập TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tỉnh Quảng Ninh bứt tốc phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón 2 tàu cập cảng cùng lúc.
Việc sáp nhập TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tỉnh Quảng Ninh bứt tốc phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón 2 tàu cập cảng cùng lúc.

Thời điểm chín muồi

Trong lịch sử, giữa huyện Hoành Bồ và TP. Hạ Long đã hình thành khuynh hướng khách quan về việc chuyển một số xã, phường từ Hoành Bồ về trực thuộc Hạ Long, như xã Thành Công (năm 1958), xã Việt Hưng và Đại Yên (năm 2001). Hiện nay, một số ngành đã lập địa hạt vùng Hạ Long - Hoành Bồ (ngành thuế lập Chi cục Thuế Hạ Long - Hoành Bồ…).

Ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ cho biết, thời điểm năm 2013, đã từng có chủ trương sáp nhập thêm 3 địa phương là thị trấn Trới, xã Thống Nhất và xã Lê Lợi của huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long. Tuy nhiên, thời điểm đó, các lãnh đạo của huyện Hoành Bồ và người dân không đồng thuận, nên việc sáp nhập này phải dừng lại. Lý do là, 3 xã, thị trấn dự định sáp nhập là những địa phương nhiều tiềm năng và phát triển kinh tế - xã hội tốt nhất của Hoành Bồ, nếu sáp nhập thì huyện không còn động lực phát triển.

Còn hiện tại, theo Báo cáo số 255/BC-UBND tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2021, có 98,55% cử tri đồng ý việc nhập đơn vị hành chính huyện Hoành Bồ và TP. Hạ Long vào làm một; 96,31% cử tri đồng ý thành lập phường Hoành Bồ trên cơ sở nguyên trạng thị trấn Trới.

Lý giải sự đồng thuận cao này, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, thời điểm sáp nhập đã chín muồi. Cơ sở của việc sáp nhập này là thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Nghị quyết nhấn mạnh, việc sáp nhập phải gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao đời sống của người dân.

Trên thực tế, yếu tố cản trở sự phát triển của Quảng Ninh không phải là nguồn lực đầu tư hay cơ chế, chính sách, mà chính là địa giới hành chính, điển hình là TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Trong khi đó, theo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì quy hoạch TP. Hạ Long được điều chỉnh theo hướng cấu trúc mở rộng ra huyện Hoành Bồ.

Điều kiện tự nhiên của Hạ Long và Hoành Bồ có tính liên thông khách quan, vị trí tiếp giáp, hình thái bao quanh vịnh Cửa Lục, các sông Trới, Diễn Vọng đổ ra vịnh Hạ Long… Thêm nữa, tài nguyên (than, đá vôi, sét…) của hai địa phương vốn là thể thống nhất tự nhiên, nên có rất nhiều tương đồng; môi trường sông, biển, môi trường không khí có gắn kết khách quan mật thiết…, nhưng đang được quản lý ngắt quãng. Do vậy, đã hình thành nhu cầu tăng cường toàn diện công tác quản lý nhà nước đồng bộ về quy hoạch, xây dựng; quản lý môi trường quanh 2 bờ vịnh Cửa Lục; quản lý hoạt động than, khoáng sản, vận tải…

Về văn hóa, hai địa phương có mối liên hệ mật thiết từ lâu đời với truyền thuyết “núi Mằn và núi Bài Thơ là anh em” và ngày càng gắn bó, bên này là nơi cung ứng hoặc thị trường tiêu thụ của bên kia…

Từ nhu cầu của thực tiễn, việc mở rộng địa giới hành chính TP. Hạ Long là cần thiết, nhằm giúp chính quyền đô thị dễ giải quyết những vấn đề mang tính vĩ mô và phù hợp với yêu cầu mà Nghị quyết số 37-NQ/TW đề ra. Quan trọng nhất, khi thực hiện sáp nhập, người dân vẫn luôn là trung tâm, hướng tới mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với hạt nhân khởi động đủ tầm sức mạnh là TP. Hạ Long mới. Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ và TP. Hạ Long sẽ tạo cho TP. Hạ Long mới có một không gian đủ lớn để phát triển, không chỉ trong 20 - 30 năm, mà còn trong tương lai xa hơn nữa.

TP. Hạ Long mới sẽ là một thành phố đặc biệt, vừa có di sản kỳ quan, vừa có biển, có sông, có rừng, có đồng bằng và đồi núi.
TP. Hạ Long mới sẽ là một thành phố đặc biệt, vừa có di sản kỳ quan, vừa có biển, có sông, có rừng, có đồng bằng và đồi núi.

Hạt nhân xứng tầm

TP. Hạ Long tuy đang là đô thị loại I, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục của tỉnh Quảng Ninh, nhưng lại đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức gay gắt. Điển hình là nguồn lực tự nhiên đã dần tới hạn, thiếu quỹ đất đủ lớn để xây dựng những dự án tầm cỡ quốc gia và khu vực; không gian phát triển hạn hẹp theo các định hướng chiến lược trong điều kiện phải hạn chế tối đa san đồi, lấp biển để bảo vệ di sản và môi trường.

Trong khi đó, huyện Hoành Bồ là địa phương có nhiều lợi thế: diện tích lớn nhất tỉnh, mật độ dân số thấp; quỹ đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên, rừng ngập mặn lớn; cảnh quan thiên nhiên đặc sắc; văn hóa bản địa phong phú; đặc biệt, có đến 6 con sông ở phía Nam huyện đổ ra vịnh Cửa Lục… Tuy nhiên, Hoành Bồ hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Sau khi hoàn tất việc sáp nhập 2 địa phương này, Quảng Ninh sẽ có một đô thị loại I trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, về đơn vị hành chính trực thuộc. Đơn vị hành chính mới được hình thành là TP. Hạ Long (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 1.119,12 km2 (gấp gần 4 lần so với diện tích TP. Hạ Long hiện tại), quy mô dân số 300.267 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc TP. Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ hiện tại.

Song, theo ông Nguyễn Xuân Ký, việc hình thành đô thị loại I lớn nhất với diện tích và số đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh lớn nhất không quan trọng bằng việc sẽ có một thành phố đặc biệt với một địa hình độc đáo nhất - vừa có di sản kỳ quan, vừa có biển, vừa có sông, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng và có rừng.

Sự độc đáo về địa hình sẽ tạo ra những nét độc đáo về du lịch. Hiện nay, Hạ Long chỉ tập trung vào du lịch biển, nhưng sau khi thực hiện sáp nhập, chắc chắn sẽ có những đột phá về sản phẩm du lịch trên núi, du lịch trong rừng. Trong đó, bản sắc văn hóa người Dao (tại 2 xã Đồng Sơn - Kỳ Thượng) và khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng với sự đa dạng động vật, thực vật bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo những điểm nhấn đặc biệt. Sự đa dạng về văn hóa, dịch vụ, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá liên thông rừng - biển sẽ tạo sức hút với khách du lịch, giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ…

Việc sáp nhập Hạ Long - Hoành Bồ sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của một đơn vị hành chính; tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng; tạo điều kiện thực hiện quản lý theo mô hình hệ thống - mô hình quản lý tiên tiến nhất hiện nay. Nhờ đó, TP. Hạ Long mới sẽ quản lý thống nhất về môi trường cảnh quan liên thông, từ rừng núi, sông, vịnh; có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy thương mại, dịch vụ, công nghiệp cảng biển nước sâu phát triển, giữ vai trò đô thị hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Đặc biệt, thông qua việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện này, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là địa phương đi đầu trong việc đổi mới, tiên phong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, vì mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, vững chắc của tỉnh cũng như sự phát triển của đất nước.

Ba trụ cột phát triển của TP. Hạ Long mới

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, để TP. Hạ Long mới phát triển được như kỳ vọng và trở thành động lực chính cho Quảng Ninh, thì quy hoạch sẽ phải được xây đựng theo hướng phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột chính.

Cụ thể là: thiên nhiên được bảo tồn; con người được nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy. Điều này vừa phục vụ cho con người, vừa phục vụ cho sự phát triển.
Quảng Ninh đã có lộ trình dừng khai thác than lộ thiên tại Hạ Long và di dời 2 nhà máy xi măng tại Hoành Bồ
Theo Báo cáo số 366/BC-BCSĐ, ngày 22/7 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, lộ trình đóng cửa mỏ, kết thúc khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư