Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 30 tháng 06 năm 2024,
Quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế khí phát thải của gia súc
Linh Dương - 27/06/2024 17:32
 
Đan Mạch, một trong những nước xuất khẩu thịt lợn và sữa lớn nhất thế giới, vừa trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng thuế phát thải carbon đối với ngành nông nghiệp.

Từ năm 2030, nông dân Đan Mạch sẽ phải đóng mức thuế hàng năm là 672 krone (tương đương 96 USD) cho mỗi con gia súc mà họ sở hữu. Quyết định này là một bước đi quan trọng nhằm giảm lượng khí thải nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa

Nông nghiệp là nguồn phát thải carbon lớn nhất tại Đan Mạch, chủ yếu do hoạt động chăn nuôi gia súc.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), hệ thống lương thực toàn cầu chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính, trong đó chăn nuôi gia súc đóng góp khoảng 12% vào năm 2015.

Đặc biệt, khí methane từ hoạt động tiêu hóa của gia súc là một trong những tác nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, với khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhiều lần.

Bên cạnh quyết định áp thuế phát thải, Đan Mạch sẽ đầu tư 40 tỷ krone (3,7 tỷ USD) cho các biện pháp như trồng rừng và xây dựng vùng ngập nước nhằm đạt các mục tiêu về khí hậu.

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch, Lars Lokke Rasmussen, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều tỷ USD vào kế hoạch chuyển đổi quy mô lớn nhất với cảnh quan đất nước trong giai đoạn gần đây ở Đan Mạch. Đồng thời, chúng tôi cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp thuế carbon với lĩnh vực nông nghiệp”. Quyết định này nhận được sự ủng hộ từ ngành công nghiệp sản xuất sữa, nhưng nông dân nuôi bò tỏ ra bức xúc. Ông Peter Kiær, Chủ tịch tổ chức Bæredygtigt Landbrug đại diện cho nông dân Đan Mạch, cho rằng các biện pháp trên là “một cuộc thử nghiệm đáng sợ” và không giải quyết được vấn đề khí hậu.

Trong khi đó, ông Peder Tuborgh, CEO của Arla Foods, tập đoàn sữa lớn nhất châu Âu, lại coi đây là một biện pháp tích cực nhưng nhấn mạnh rằng những nông dân đã thực hiện các biện pháp giảm phát thải không nên bị đánh thuế.

Theo viện nghiên cứu môi trường Concito, trung bình, một con bò sữa tại Đan Mạch thải ra khoảng 5,6 tấn khí tương đương CO2 mỗi năm. Với mức thuế sau giảm, nông dân sẽ phải đóng khoảng 96 USD mỗi năm cho mỗi con bò từ năm 2030, và tăng lên 241 USD vào năm 2035.

Trong hai năm đầu tiên, tiền thuế thu được sẽ được sử dụng để hỗ trợ quá trình dịch chuyển xanh của ngành nông nghiệp và sau đó sẽ được đánh giá lại để sử dụng cho các mục đích khác. Nhà kinh tế trưởng Torsten Hasforth của Concito nhận định: “Mục đích lớn nhất của loại thuế này là để thúc đẩy ngành nông nghiệp tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải”.

Bộ trưởng Thuế vụ Đan Mạch, ông Jeppe Bruus, cho biết mục tiêu của nước này là giảm 70% lượng khí thải từ mức năm 1990 vào năm 2030, và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045. Ông hy vọng các quốc gia khác sẽ noi theo bước đi này của Đan Mạch. Quyết định này còn cần được Quốc hội Đan Mạch phê chuẩn, nhưng dự kiến sẽ sớm được thông qua do có sự đồng thuận rộng rãi.

Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp
Từ ngày 20 - 25/11/2023, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy theo lời mời của Thủ tướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư