Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội họp trực tiếp, làm công tác nhân sự và quyết nhiều vấn đề cấp bách
An Nguyên - 08/06/2020 08:07
 
Sáng nay (8/6/2020), Quốc hội khoá XIV bắt đầu phiên họp trực tiếp đầu tiên, sau khi kết thúc 10 ngày họp trực tuyến và nghỉ 10 ngày giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 9.
Ba trong số 10 Dự án luật sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua trong 10 ngày họp trực tiếp bắt đầu từ đầu tuần này có liên quan mật thiết đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ba trong số 10 dự án luật sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua trong 10 ngày họp trực tiếp bắt đầu từ đầu tuần này có liên quan mật thiết đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chương trình nghị sự có thêm những nội dung được gấp rút chuẩn bị, trình để Quốc hội thông qua, nhằm kịp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Một trong những nội dung đó là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo thông lệ, tất cả những nội dung trình Quốc hội đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước. Bởi thế, khi Quốc hội nghỉ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên 45B, xem xét 7 vấn đề, bao gồm cả nhân sự.

Về giảm thuế, trong kết luận phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu sửa lại tên gọi và phạm vi, đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được những tiêu chí như quy định trong Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu lấy tiêu chí tổng doanh thu và số lao động tham gia đóng bảo hiểm để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 (tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người - PV). Việc xem xét giảm thuế được thực hiện đối với số thuế phát sinh trong kỳ tính thuế của năm 2020. Hiệu lực thi hành của Nghị quyết là sau 45 ngày kể từ ngày thông qua.

Chuyển sang đầu tư công vẫn phải thu phí

Sau phiên họp 45B, Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (đây là thủ tục bắt buộc khi trình Quốc hội - PV).

Kết luận phiên họp nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất quán với quan điểm là chuyển đổi sang hình thức đầu tư công 100% vốn nhà nước đối với dự án đối tác công - tư (PPP) mà không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết), đồng thời lựa chọn thêm 2 dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp bách là đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây (phương án 3 của Chính phủ).

Yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là các dự án sau khi chuyển đổi phải thực hiện đầy đủ các thủ tục của Luật Đấu thầu và thu phí để thu hồi vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 9.

Sau phiên họp giữa hai đợt họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều nội dung khác ngay đợt hai của kỳ họp này, như Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và chương trình Kỳ họp thứ 9.

Làm nhân sự và thông qua nhiều dự án luật

Bên cạnh những nội dung thường kỳ như thảo luận về kinh tế, xã hội, quyết toán ngân sách, trong đợt họp này, Quốc hội còn dành thời gian làm nhân sự.

Theo đó, Quốc hội sẽ quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải, người đã được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ sẽ được miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng.

Về nhân sự mới, ngoài bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thay bà Nguyễn Thanh Hải, Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Theo kết luật phiên họp gần nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung chuẩn bị của các cơ quan liên quan về nhân sự.

Trong 10 ngày họp trực tiếp, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua gần 10 dự án luật, trong đó có 3 luật liên quan mật thiết đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đó là Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Hiện tại, những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã hoàn tất khâu xin ý kiến. Theo đó, đa số đại biểu đồng ý cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp và ban hành luật riêng cho hộ kinh doanh.

73,28% đại biểu muốn chia kỳ họp thành hai đợt

Kết thúc đợt họp trực tuyến từ ngày 20/5 đến 28/5, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, qua lấy ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về họp trực tuyến, có 98,6% đánh giá tốt công tác tổ chức; 97% đại biểu đánh giá cao cách thức đăng ký phát biểu tại đợt họp trực tuyến; 94% đại biểu đánh giá tốt công tác thông tin, tuyên truyền...

Đáng chú ý, có đến 73,28% đại biểu Quốc hội đề nghị duy trì cách thức tổ chức một kỳ họp chia hai đợt.
Cồng ty cổ phần chọn nhà thầu có phải thực hiện theo Luật Đấu thầu?
Công ty cổ phần thực hiện công tác duy tu sửa chữa thường xuyên đường bộ, có mua sắm nhiều loại vật tư để thi công có phải tổ chức lựa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư