Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quốc lộ 19 - “Con đường tơ lụa” đưa Tây Nguyên ra biển lớn
Hà Minh - 01/08/2016 09:41
 
Quốc lộ 19 được xem là trục xương sống nối các tỉnh Tây Nguyên gần lại, để đẩy mạnh giao thương, thu hút đầu tư. Nó được ví von như “Con đường tơ lụa” đưa hàng hóa từ Lào, Campuchia về điểm cuối cảng Quy Nhơn, rồi tỏa đi khắp khu vực và quốc tế.

Xuất phát từ đầu cầu vượt biển dài nhất Việt Nam qua Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), chúng tôi ngược Quốc lộ 19 lên Tây Nguyên. Con đường mới được đưa vào sử dụng còn vương mùi nhựa đường, rộng thênh thang đi qua những làng mạc, thôn xóm như thổi thêm luồng sinh khí mới cho vùng đất này.

Đánh thức đô thị vùng Đông

Hôm nay, khi tuyến đường mới được hình thành, dáng dấp một đô thị mới Quy Nhơn ngay điểm đầu tuyến đường đã thành hình hài. Hàng loạt dự án  KĐT đang được các nhà đầu tư hối hả thi công, đón đầu khách du lịch đang từng ngày tăng chóng mặt.

Cảng Quy Nhơn, điểm cuối “con đường tơ lụa”  đưa hàng hóa đi khắp khu vực và quốc tế. Ảnh: Hà Minh
Cảng Quy Nhơn, điểm cuối “con đường tơ lụa” đưa hàng hóa đi khắp khu vực và quốc tế. Ảnh: Hà Minh

Trong đó, phải kể đến Dự án xây dựng KĐT An Phú Thịnh (nằm ven tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội do CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng và Du lịch An Phú Thịnh làm chủ đầu tư. Khu đô thị An Phú Thịnh có diện tích 155 ha, vốn đầu tư hơn 1.150 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, khu đô thị này được ví như “Phú Mỹ Hưng của Quy Nhơn”, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 10.000 người dân.

Cạnh đó, Dự án Trung tâm Thương mại - dịch vụ và Du lịch Nhơn Hội do Công ty TNHH Quốc Thắng làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Bình Định cấp phép ngày 22/11/2006 tại phía chân đầu cầu phía đông cầu Thị Nại (KKT Nhơn Hội) với tổng số vốn đăng ký hơn 181 tỷ đồng, cũng đang được chủ đầu tư thi công…

Theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, từ tuyến Quốc lộ 19 này, nhiều nhà đầu tư đang nhắm đến để đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, nhà ở cao cấp, nhà ở xã hội…

Điều này cho thấy, những tác động to lớn của con đường này đối với việc việc qui hoạch và phát triển kinh tế, xã hội tại KKT Nhơn Hội, cũng như đô thị Quy Nhơn về phía Đông, là đúng với nhu cầu phát triển ngày càng đi lên của tỉnh Bình Định.

Dự án được quan tâm đặc biệt

Dự án Nâng cấp Quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn đến cửa khẩu Lệ Thanh dài 238 km, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030  từ cuối tháng 1/2011.

Theo Quyết định này, tuyến hành lang Quy Nhơn - Tây Nguyên được xác định là 1 trong 5 hành lang vận tải chính của vùng, là hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn với Tây Nguyên và các nước láng giềng Lào, Camphuchia, Đông bắc Thái Lan và được quy hoạch phát triển bám theo tuyến chính là Quốc lộ 19 hiện nay.

Xác định tuyến Quốc lộ 19 là dự án giao thông quan trọng, cấp bách cần khẩn trương đầu tư ngay để đảm bảo cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Định nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên, cuối năm 2012, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức chức khởi công và chỉ đạo các nhà thầu thi công nhanh chóng các hạng mục dự án.

Dự án cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, được tạo mọi điều kiện thuận lợi nên chỉ trong 3 năm thi công, hơn 17 km từ cảng Quy Nhơn đến nút giao Quốc lộ 1A đã thông tuyến để nhập với 60km từ điểm giao Quốc lộ 1A đi Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Con đường này đã xóa bỏ hoàn toàn điểm đen tai nạn giao thông tại Ngã 3 cầu Bà Gi, tạo điều kiện cho Bình Định táo bạo thực hiện quy hoạch đô thị Quy Nhơn về hướng Đông và nâng cao sản lượng hàng hóa qua cảng Quy Nhơn.

Xét về vị trí, Bình Định nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam, đây cũng là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Campuchia và Thái Lan. Trong tương lai gần, cảng biển Nhơn Hội thuộc KKT Nhơn Hội được xây dựng, sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tạo cho Bình Định một lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế.

Huyết mạch liên kết vùng

Trong tầm nhìn mới từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vai trò của Việt Nam trong phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được khẳng định.

Việt Nam có vị trí án ngữ trên các tuyến hải trình huyết mạch, thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Biển Đông. Trong đó, Cảng biển Bình Định là cầu nối không thể thiếu của cả khu vực rộng lớn, không chỉ phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, mà còn là cửa ngõ ra Biển Đông của Tiểu vùng sông Mê Kông.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ven biển khu vực miền Trung, cảng Quy Nhơn được xem là cảng sầm uất với lượng hàng hóa thông qua cảng ngày càng tăng cao. Năm 2011, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Quy Nhơn đạt trên 6 triệu tấn, năm 2015, đạt sản lượng 10 -12 triệu tấn và đến năm 2020 đạt 18 - 20 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tuyến Quốc lộ 19 được xác định là một trong 5 hành lang vận tải chính trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 đoạn qua 2 tỉnh Bình Định - Gia Lai đã tạo nên nhiều kỳ vọng, không chỉ của Gia Lai, mà cả các tỉnh bạn có giao thương với các địa phương khác thông qua Quốc lộ 14.

Hiện tại, Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 19, đoạn qua đèo Mang Yang, cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo nên sự thông thoáng trong giao thương, đi lại của người dân liên vùng.

Bình Định: Thông tuyến quốc lộ 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến quốc lộ 1A
Sở GTVT Bình Định vừa tổ chức thông tuyến giai đoạn 1 công trình xây dựng quốc lộ (QL) 19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư