Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Quý I/2024 trôi qua, doanh nghiệp vẫn khó nhất là dòng tiền
Khánh Linh - 27/03/2024 14:04
 
Số liệu về đăng ký doanh nghiệp quý I/2024 tiếp tục phát đi tín hiệu về những khó khăn chưa vơi nhiều trong cộng đồng kinh doanh dù số doanh nghiệp đăng ký vẫn tăng.
.
Kinh doanh bất động sản nằm trong danh sách các ngành có số doanh nghiệp đăng ký mới giảm so với cùng kỳ.

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình đăng ký kinh doanh quý I đã có những dấu hiệu cải thiện so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 59.848 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2019-2023 (49.837 doanh nghiệp). 

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2024: 59.848, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động: 23.604, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường: 73.978, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 72% doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.

Trong số này, doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt trên 36 nghìn doanh nghiệp (36.244 doanh nghiệp), tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. 

Tính riêng trong giai đoạn 2019-2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I vẫn được duy trì trên 33 ngàn doanh nghiệp kể từ năm 2022 (thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục trở lại bình thường) tới nay và là mức cao nhất trong giai đoạn 2022-2024.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 23.604 doanh nghiệp, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số lao động đăng ký trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 260 nghìn lao động, lao động bình quân trên một doanh nghiệp đạt 7,1 lao động (tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2023).

Chỉ tiêu này trong quý I năm 2024 cho thấy sự phục hồi sau đợt suy giảm kể từ năm 2020 tới nay.

Tuy nhiên, những khó khăn trong cộng đồng kinh doanh vẫn đang tiếp tục. Nhìn vào tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 724.507 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2019-2024. 

Tháng 3/2024 có 14.116 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 113.462 tỷ đồng, giảm 0,7% về số doanh nghiệp và giảm 22,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 3 cũng ghi nhận có 3.020 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 52,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 3/2024, cả nước có 10.531 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 332.175 tỷ đồng (tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2023). Có 9.761 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 3 tháng đầu năm 2024 (giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2023), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 392.332 tỷ đồng (giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2023).

Rõ ràng, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là dòng tiền, theo nhận định của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.

Đây là lý do Cục đề xuất Chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, duy trì chính sách tài khóa mở rộng; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch nội địa; gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang tháng 6/2025; nỗ lực thực hiện hiệu quả các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, cung cấp đầy đủ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân; tăng cường hơn nữa xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường mới, thị trường ngách.

Các ngành ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023:

+ Kinh doanh bất động sản (giảm 2,0%);
+ Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 3,3%);
+ Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (giảm 4,6%);
+ Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 5,6%);
+ Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 5,7%);
+ Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11,7%)…

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư