Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Quyết liệt cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,3 - 6,5%
Hà Nguyễn - 05/10/2016 13:54
 
Kịch bản kinh tế của quý cuối cùng năm 2016 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư “đặt lên bàn” Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2016, tổ chức trong hai ngày 3 và 4/10/2016.

Đó là, với tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 5,93%, nếu như quý IV năm 2016 tăng trưởng như quý III năm 2016 (là 6,4%) thì tăng trưởng GDP cả năm 2016 chỉ đạt 6,0%. Nếu tăng trưởng quý IV/2016 tương đương quý IV/2015 là 7% thì cả năm 2016 tăng trưởng 6,3%.

“Để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì quý IV phải tăng trưởng 7,7%. Còn để đạt mục tiêu kế hoạch là 6,7%, quý IV phải tăng trưởng 8,3%”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, trong quý cuối cùng của năm, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục được đặt vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2016, cải thiện cầu và sức mua trong nước cùng sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

.
Nền kinh tế chưa tăng trưởng đột phá trong quý IV, dù các tín hiệu tích cực là có

Trong khi mức tăng trưởng 8,3% của quý IV/2016 gần như khó có khả năng đạt được, cũng đồng nghĩa với tăng trưởng GDP năm nay không thể đạt mục tiêu đề ra, thì tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc “không phải chỉ có quyết tâm, mà phải có giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,3 - 6,5%”.

“Cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ cho thấy, nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu hồi phục, từ mức tăng trưởng 6,4% của quý III tới mức tăng trưởng 5,93% của 9 tháng, rồi khu vực nông nghiệp có bước phục hồi khá, khu vực dịch vụ, du lịch, khách quốc tế tăng mạnh, trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới... Tuy nhiên, khó khăn thì vẫn chực chờ.

Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2016, có 16.294 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 31% so với cùng kỳ 2015. Ngoài ra, còn có 8.365 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,9%). Trong đó, số doanh nghiệp giải thể trong lĩnh vực khai khoáng tăng 3,28 lần so với cùng kỳ.

Những con số này đã phần nào cho thấy, nền kinh tế chưa tăng trưởng đột phá trong quý IV, dù các tín hiệu tích cực là có. Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế khỏe. Doanh nghiệp còn khó khăn thì chưa thể kỳ vọng quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao như trước đây.

Cũng chính vì vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2016, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận các giải pháp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 5,8 tỷ đồng hỗ trợ cho các tổ chức hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2016 cũng là một giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ khu vực này phát triển.

Thậm chí, việc đảm bảo cung cấp điện, một cân đối lớn của nền kinh tế cũng được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo. Lý do cơ bản, đó là năm nay, nguồn điện đảm bảo vì GDP chưa đạt mục tiêu. Nhưng nếu tăng trưởng cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, đặc biệt là Việt Nam đang phấn đấu mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm và riêng năm nay trên 100.000 doanh nghiệp, thì việc cung cấp điện năng là rất quan trọng.

“Do đó, tầm nhìn về các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đặt ra ngay tại kỳ họp này”, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh như vậy và cũng đã chỉ đạo việc phải nỗ lực điều hành để không chỉ đạt mức tăng trưởng cao, mà còn phải chú ý các chỉ tiêu xã hội, môi trường, mục tiêu kế hoạch năm 2016, năm 2017, cũng như kế hoạch trung hạn 2016 - 2021.

Một khía cạnh quan trọng khác, trong khi mục tiêu tăng trưởng tích cực được điều hành để đạt được ở mức cao nhất,  theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cần phải quan tâm việc kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.

“Chỉ số số tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước. Nếu điều chỉnh giá dịch vụ y tế tối đa theo lộ trình sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 1,63%. Dư địa tăng CPI còn lại là 0,23% cho các nhóm hàng và dịch vụ tiêu dùng khác. Trong khi đó, hiện nay, CPI có nhiều khả năng sẽ tăng dần lên trong các tháng cuối năm do giá dịch vụ y tế và giáo dục được điều chỉnh theo lộ trình vào các tháng 10, 11, 12 năm nay, xu hướng tăng trưởng tín dụng và giá cả hàng hoá thế giới đang có xu hướng phục hồi. Bởi vậy, phải quan tâm cả kiểm soát lạm phát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ.

Tăng trưởng GDP quý IV khả quan hơn
Trước những diễn biến khá thuận lợi của quý III, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư