Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quyết toán ngân sách nhà nước 2013: Bội chi 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP
Hàn Tín - 25/05/2015 19:15
 
Quốc hội vừa kết thúc thảo luận ở tổ về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013. Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2013 theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Năm 2013, Quốc hội thông qua dự toán thu 816.000 tỷ đồng; chi 978.000 tỷ đồng; bội chi 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP.

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, năm 2013, thu ngân sách đạt 828.348 tỷ đồng tăng 12.348 tỷ đồng so với dự toán, nếu không tính các khoản ghi thu, ghi chi (140.076 tỷ đồng, tăng 53.275), viện trợ sử dụng theo mục tiêu (11.124 tỷ đồng, tăng 6.124 tỷ đồng), thu khác của ngân sách (18.542 tỷ đồng, tăng 14.565 tỷ đồng) thì thu ngân sách hụt thu 4.797 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng một mặt nhận định, công tác quản lý thu ngân sách có tiến bộ, nhưng cũng thừa nhận rằng: “Vẫn còn tình trạng trốn, lậu thuế  ở một số địa bàn”.

 

Để xử lý tình trạng trốn lậu thuế, ông Dũng cho biết, cơ quan thuế đã chủ  động phối hợp với các ngành và địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, chống chuyển giá, tăng cường quản lý thu, kiểm soát kê khai thuế, kiểm soát thực hiện chính sách ưu đãi thuế, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đôn đốc thu nợ thuế, xử phạt doanh nghiệp chây ỳ chậm nộp thuế, thu hồi nợ thuế.

“Năm 2013, qua công tác kiểm tra, cơ quan thuế đã xử lý 64.120 đơn vị, truy thu nộp ngân sách hơn 9.670 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết thêm.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2013, ngân sách đã chi ra 1.088.153 tỷ đồng, tăng 11,3%  so với dự toán. Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, công tác quản lý chi ngân sách năm 2013 có tiến bộ hơn những năm trước, đặc biệt là chi chuyển nguồn giảm về quy mô và cơ cấu; các khoản chi chuyển nguồn do triển khai chậm bước đầu đã được khắc phục, giảm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng.

“Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện nhiều món chi sai chế độ; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ ngành, địa phương còn chậm so với quy định, nhất là đối với các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông”, ông Dũng cho biết.

Lý giải về việc phải tăng mức bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP, nhưng cuối cùng con số bội chi trình Quốc hội quyết toán tại Kỳ họp thứ 9 lần này là 6,6% GDP với số tuyệt đối là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, ông Dũng cho biết, do phải tăng chi từ vốn ngoài nước, chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng), gồm đầu tư các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến như Dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cầu Nhật Tân, Đường sắt Đô thị Hà Nội - Hà Đông… và phải trả nợ cho Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng vì năm 2010 và 2011, NSNN khó khăn chưa có nguồn để trả nợ. Để bù đắp bội chi, ngân sách đã phải vay trong nước 180.347 tỷ đồng; vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng.

“Tính đến 31/12/2013, dư nợ chính phủ bằng 42,6% GDP, nợ nước ngoài bằng 37,3% GDP; nợ công bằng 54,5% GDP”, ông Dũng thông báo.

Nhận định về công tác quản lý thu NSNN năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, công tác kiểm tra, thanh tra thuế đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, song quy mô chưa đủ lớn, công tác theo dõi nợ thuế chưa được sát sao, quản lý thuế còn sơ hở, việc xử lý các vi phạm tính răn đe chưa đủ mạnh nên còn tình trạng khai man, trốn thuế.

“Đặc biệt là tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ở khu vực ngoài quốc doanh vẫn khá phổ biến, gây thất thu cho ngân sách”, ông Hiển nhấn mạnh.

Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ được coi là “thượng phương bảo kiếm” để chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, sai quy định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hiển, tại không ít địa phương, việc chấp hành Chỉ thị 1792/CT-TTg còn chưa nghiêm túc như vẫn còn tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chưa bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn, không bố trí vốn tập trung cho các công trình trọng điểm... Số nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn, bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ với xu hướng tăng so với các năm trước. Các sai phạm vẫn xảy ra trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn những yếu kém, gây thất thoát, lãng phí nhưng vẫn chậm được khắc phục. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bội chi và nợ công tăng.

Qua kết quả kiểm toán năm 2014 về niên độ ngân sách năm 2013, ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, công tác lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn cơ bản thực hiện theo quy định. Song còn vẫn còn nhiều hạn chế như chưa bố trí kế hoạch vốn để thu hồi các khoản ứng trước; chưa phân bổ, phân khai chi tiết kế hoạch vốn ngay từ đầu năm; điều chỉnh kế hoạch vốn sau thời gian quy định; bố trí vốn cho các dự án khởi công mới không phải công trình cấp bách, chưa đủ điều kiện; bố trí vốn không tuân thủ thứ tự ưu tiên, thiếu căn cứ, không sát với thực tế…

Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2013 theo đề xuất của Bộ Tài chính: tổng thu 1.084.064 tỷ đồng; tổng chi 1.277.710 tỷ đồng; bội chi 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP.

Nhiều trường hợp không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Tổng cục Thuế đang bắt tay vào hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2014. “Do triển khai Thông tư 151/2014/TT-BTC, nên quyết toán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư