Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thúc các tỉnh tăng thu ngân sách
Mạnh Bôn - 11/10/2013 13:27
 
Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận thực trạng hụt thu ngân sách nhà nước trong khi năm tài chính vẫn còn 3 tháng nữa mới kết thúc. Lãnh đạo Bộ Tài chính phải gửi thư tới lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp đẩy mạnh thu ngân sách trên địa bàn. >>> Thu thuế từng đồng, gian lận tiền tỷ >>> Thủ tướng yêu cầu không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu >>> Chưa tính đến chuyện điều chỉnh bội chi >>> Dự toán thu nội địa năm 2014 tăng 12-13%

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tổng thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm ước đạt 52.800 tỷ đồng, mặc dù tăng 2.700 tỷ đồng so với tháng 8 (tăng 5,4%) nhưng tính chung cả 9 tháng đầu năm mới đạt 66,6% dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

“Hàng năm, sau 9 tháng, thu ngân sách thường đạt trên dưới 80% dự toán, nhưng năm nay, mặc dù có tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng mới đạt được 66,6% dự toán. Tình hình này có thể nói là… rất gay. Vì vậy, chúng tôi dự báo, năm nay không đạt dự toán thu ngân sách”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai trần tình.

Về thu nội địa, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong 9 tháng đầu năm, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước mới đạt 64,7% dự toán.

Chỉ có 6/14 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán nhưng đều là những khoản thu nhỏ; 8/14 khoản thu còn lại không bảo đảm tiến độ thu, trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 60,6% dự toán, thu từ khi vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 69,5% dự toán và thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 64% dự toán…

Còn nếu phân theo sắc thuế thì tất cả những sắc thuế đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách đều đứng trước nguy cơ hụt thu. Vì đến thời điểm này, thuế giá trị gia tăng mới đem về cho ngân sách 65,5% dự toán; thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 58% dự toán; thuế thu nhập cá nhân (67,2%); thuế bảo vệ môi trường (60%)…

Thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến thời điểm này thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu mới đạt 67,4% dự toán, sau khi trừ đi số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu thì thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt chưa đến 62% dự toán.

“Nhiệm vụ thu nội địa trong 3 tháng cuối năm nay vô cùng nặng nề”, ông Cao Anh Tuấn phát biểu và cho biết, ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng đang nỗ lực hết sức để bảo đảm thu ở mức cao nhất chứ không dám chắc là có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai

Đứng trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã gửi thư tới bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, chỉ đạo thu ngân sách trên địa bàn.

Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo Chống thất thu, chống nợ đọng; thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện ra những nguồn thu còn bỏ ngỏ hoặc thu chưa đủ để thu vào ngân sách; chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát các nguồn thu và lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

“Trong 8 tháng đầu năm, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra được hơn 36.600 doanh nghiệp, truy thu 6.528 tỷ đồng, giảm khấu trừ 534 tỷ đồng, giảm lỗ 8.516 tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc tăng thu ngân sách”, ông Tuấn cho biết nhưng cũng cho rằng, việc hoàn thành số thu nội địa năm nay hết sức khó khăn bởi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa có gì sáng sủa.

Theo số liệu của cơ quan thuế các địa phương, hiện chỉ có 21,3% số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh là có kê khai thuế giá trị gia tăng. Như vậy, số doanh nghiệp còn lại không phát sinh doanh số do tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

“Đứng trước tình hình này, chúng tôi đang tính toán xem số hụt thu ngân sách năm nay là bao nhiêu để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỷ họp tới đây để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2014”, bà Vũ Thị Mai cho biết.

Theo bà Mai, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính đang tính toán, cân nhắc nhiều giải pháp để cố gắng không để khoảng cách thu chi dãn quá rộng.

“Giải pháp nâng trần bội chi từ 4,8% GDP năm 2013 lên 5,3% GDP và xem xét lại lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng đã được tính đến”, bà Mai nói thêm.

Thủ tướng yêu cầu không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư