Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Rà soát chống bán phá giá thép không gỉ lần 2: Doanh nghiệp lo tác động phụ
Ngọc Tuấn - 13/03/2018 07:41
 
Trước thời điểm Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) công bố báo cáo chính thức kết quả điều tra, rà soát lần 2, làm cơ sở để điều chỉnh biên độ bán phá giá, nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại về những tác động phụ khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Thuế tăng cao sau rà soát

Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội được Bộ Công thương thực thi từ tháng 9/2014. Theo đó, Quyết định số 7896/QĐ-BCT ấn định mức thuế suất thuế chống phá giá các mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu vào Việt  Nam từ các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan ở mức từ 4,64% đến 6,87%. Bên yêu cầu điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá là Công ty TNHH Posco VST và Công ty cổ phần Inox Hoà Bình, đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Sản xuất thép không gỉ của Việt Nam hiện chưa đáp ứng nhu cầu.
Sản xuất thép không gỉ của Việt Nam hiện chưa đáp ứng nhu cầu.

Suốt thời gian áp dụng Quyết định 7896/QĐ-BCT, doanh nghiệp trong nước không có ý kiến, vì mức thuế suất không cao và ảnh hưởng ít đến tính cạnh tranh. Tuy nhiên, sau đợt rà soát lần 1, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1656/QĐ-BCT (ngày 29/4/2016), áp mức thuế chống bán phá giá mới cao hơn rất nhiều lần so với trước. Theo đó, ngoại trừ thép không gỉ nhập khẩu từ Malaysia điều chỉnh giảm nhẹ, thì nhóm sản phẩm nhập khẩu từ 2 thị trường nhập khẩu chính, bao gồm Trung Quốc, Indonesia bị điều chỉnh áp thuế suất thuế chống bán phá giá tăng, dao động từ 3,07% lên mức cao nhất 25,35%, với thời hạn áp dụng đến tháng 10/2019.

Sau khi mức thuế mới được điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp trong nước tỏ ra lo ngại, bởi việc này có thể gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp có đầu vào là thép không gỉ. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty Thang máy Thiên Nam cho biết, 2 năm nay, công ty của ông chịu bất lợi kép. “Thép không gỉ chiếm 10% giá thành chi phí đầu vào ngành sản xuất thang máy. Với việc thuế chống bán phá tăng từ trung bình mức 5,5% lên 25,35%, khiến Công ty Thiên Nam thiệt hại vài tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là, chi phí sản xuất tăng lên đáng kể, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tiết giảm chi phí để cạnh tranh với các hãng thang máy ngoại”, ông Huy nói.

Câu chuyện điều tra rà soát lần thứ 2 việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép không gỉ được Cục Phòng vệ thương mại thông báo vào tháng 2/2017 và Bộ Công thương quyết định vào tháng 5/2017 (Quyết định số 1849/QĐ-BCT ngày 23/5/2017) cũng khiến các doanh nghiệp thêm một lần như “ngồi trên đống lửa”.

Trước lo ngại bất lợi, hàng chục doanh nghiệp đã gửi hồ sơ tới Cục Phòng vệ thương mại yêu cầu loại trừ phạm vi sản phẩm áp thuế chống bán phá giá. Cụ thể, Công ty Thiên Nam và 19 doanh nghiệp khác đề nghị loại trừ 2 nhóm sản phẩm với lý do trong nước chưa sản xuất được là nhóm thép không gỉ dạng cuộn đã gia công quá mức cán nguội và nhóm thép không gỉ dạng tấm đã gia công quá mức cán nguội.

Không chỉ có vậy, nhóm doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Điện cơ AIDI, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse, Công ty TNHH Masamoto Việt Nam, Công ty TNHH ITEQ Việt Nam đề nghị loại trừ các sản phẩm thuộc mã 7220.20.90, 7219.34.00 và 7219.35.00, với lý do mặc dù trong nước có sản xuất, song các doanh nghiệp không mua được vì sản lượng thấp. Riêng Công ty TNHH Điện cơ AIDI còn đề nghị loại trừ thêm mã 7220.20.10 vì lý do chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu.

Cần sự minh bạch, công bằng

Thời gian tiến hành rà soát lần 2 sẽ kết thúc vào ngày 30/4/2018. Cục Phòng vệ thương mại sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá và có hay không loại trừ các nhóm sản phẩm mà doanh nghiệp yêu cầu trên đây. Được biết, tháng 1/2018, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành Dự thảo báo cáo kết quả điều tra rà soát lần 2. 

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Công ty Thiên Nam bày tỏ sự lo ngại dự thảo kết luận nói trên. Công ty Thiên Nam cũng nêu quan điểm không đồng tình với ý kiến của cơ quan điều tra nhận định về sự khác biệt chất lượng sản phẩm giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước là “do trong quá trình điều tra, các doanh nghiệp đều không cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh nên cơ quan điều tra xác định rằng, vấn đề chất lượng sản phẩm không thể là lý do để loại trừ” trong dự thảo kết luận.

Một đại diện khác (xin được giấu tên) khẳng định, nhóm sản phẩm thép không gỉ mà doanh nghiệp này yêu cầu loại trừ áp thuế không phải là đối tượng mà các Công ty Posco VST và Inox Hòa Bình đang đề nghị điều tra chống bán phá giá và bản thân 2 nhà sản xuất này cũng chưa đầu tư dây chuyền sản xuất nhóm mặt hàng này trên lãnh thổ Việt Nam, mà chỉ là nhà nhập khẩu về Việt Nam để phân phối nội địa.

Ông Trần Thọ Huy cho biết, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn kiến nghị của Công ty Thiên Nam tới Bộ Công thương giải quyết theo quy định của pháp luật. “Kết luận của báo cáo dự thảo điều tra rà soát có các điểm không phù hợp”, ông Huy nói và bày tỏ hy vọng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhằm giải quyết sớm vấn đề một cách minh bạch, công bằng.

Sau tôn phủ màu, tôn mạ, Thái Lan tiếp tục điều tra chống bán phá giá thép không gỉ Việt Nam
Thái Lan vừa phát đi thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ (stainless pipe and tube) nhập khẩu từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư