Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Rõ lộ trình gỡ khó tại 11 dự án BOT giao thông
Anh Minh - 20/02/2025 08:54
 
Đề án tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, bao gồm 11 dự án không đảm bảo phương án tài chính, sẽ được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hoàn thiện, trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền trong quý I/2025.
Bộ Giao thông - Vận tải sẽ trình cấp có thẩm quyền Đề án tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại một số Dự án BOT giao thông. Trong ảnh: Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà
Bộ Giao thông - Vận tải sẽ trình cấp có thẩm quyền Đề án tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông. Trong ảnh: Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà

Vướng nằm ở nhóm 4 dự án BOT

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong Công văn số 1489/BGTVT - CĐCTVN vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, báo cáo về các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm các cơ chế chính sách đặc thù) trình Chính phủ trong ngày 6/2/2025; hoàn thiện hồ sơ xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông trình cấp có thẩm quyền xem xét bảo đảm tiến độ.

Tại Công văn số 1489, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các địa phương liên quan rà soát, tổng hợp các dự án BOT giao thông đã định lượng được khó khăn, vướng mắc để xây dựng danh mục dự án, thống nhất về giải pháp tháo gỡ, trách nhiệm chia sẻ của các bên (nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng) để hoàn thiện Đề án tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông.

Danh sách 11 dự án gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị xử lý

- 8 dự án do Bộ GTVT làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa (bao gồm tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây đoạn Km0 - Km6); Dự án xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT; Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889; Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án BOT xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì; Dự án BOT xây dựng công trình cầu Thái Hà; Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

- 3 dự án do các địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT (UBND tỉnh Lạng Sơn); Dự án BOT xây dựng cầu An Hải (UBND tỉnh Phú Yên); Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 39B và đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê (UBND tỉnh Thái Bình).

Theo kết quả tổng hợp, đến nay, trong tổng số 140 dự án BOT giao thông trên cả nước (66 dự án do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, 74 dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền) có 11 dự án đã định lượng cụ thể khó khăn, vướng mắc cần được xử lý.

Bên cạnh đó, còn một số dự án tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm doanh thu (chủ yếu do đầu tư đường cao tốc song hành, đường ngang) nhưng chưa thể định lượng được.

Điển hình như Dự án BOT Quốc lộ 26 nguy cơ sụt giảm doanh thu do đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Cầu 38 - thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887 (Đắk Nông) nguy cơ sụt giảm doanh thu do đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành…

Sau 4 cuộc họp với các địa phương, nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng (từ tháng 7/2024 đến tháng 1/2025), các bên liên quan (cơ quan ký kết hợp đồng, nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng) đã thống nhất giải pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 7/11 dự án, bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 4/11 dự án.

Đối với nội dung liên quan đến trách nhiệm chia sẻ theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ (nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng chia sẻ miễn/giảm tối đa lợi nhuận vốn chủ sở hữu, lãi suất vốn vay), một số nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng đề xuất được tiếp tục đàm phán để phân định rõ trách nhiệm chia sẻ của các bên.

Đối với giải pháp chấm dứt hợp đồng, một số ngân hàng đề xuất Nhà nước hỗ trợ, thanh toán thêm một phần lãi vay trong giai đoạn khai thác để bù đắp lãi suất ngân hàng huy động vốn ngắn hạn từ người dân nhằm giảm thiệt hại cho ngân hàng.

Cụ thể, tại Văn bản số 508/BIDV-TTDA ngày 22/1/2025, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất ngoài nguyên tắc thanh toán theo Thông báo số 270/TB-VPCP (Nhà nước chỉ thanh toán chi phí đầu tư xây dựng, các chi phí quản lý, vận hành, bảo trì công trình dự án… đến thời điểm chấm dứt hợp đồng) thì đề xuất Nhà nước hỗ trợ thêm một phần lãi đối với khoản vay tín dụng để bù đắp lãi suất huy động vốn của ngân hàng (5,5%/năm trong khoảng thời gian từ thời điểm dự án đưa vào khai thác đến thời điểm chấm dứt hợp đồng).

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật PPP sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để có cơ sở pháp lý xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án BOT.

Đến nay, Luật PPP sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, trong đó cho phép sử dụng vốn nhà nước khi chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn. Tuy nhiên, đối với giải pháp bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ dự án PPP khi dự án đã đưa vào khai thác vẫn chưa được bổ sung trong Luật PPP sửa đổi.

“Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ dự án PPP khi dự án đã đưa vào khai thác là cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật PPP. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất không quy định nội dung này tại Luật PPP sửa đổi”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5

Tại Công văn số 1489, Bộ GTVT khẳng định, đối với 7 dự án BOT dự kiến sử dụng vốn nhà nước thanh toán để chấm hợp đồng trước thời hạn, sau khi Luật PPP sửa đổi được Quốc hội thông qua (Luật số 57/2024/QH15) đã đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Hiện vướng mắc đang tập trung ở nhóm 4 dự án đang khai thác, dự kiến bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả tài chính và tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Nguyên nhân chính là do pháp luật hiện hành chưa quy định bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ khi dự án BOT đã đưa vào khai thác nên cần xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc cho 4 dự án nêu trên, cũng như một số dự án tiềm ẩn vướng mắc có thể phát sinh nhưng chưa định lượng cụ thể.

Đối với trách nhiệm chia sẻ của các bên khi thực hiện giải pháp (nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng), lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đây là nội dung quan trọng nhằm bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hạn chế tối đa tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến các dự án BOT đang khai thác, đặc biệt không để xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách để trục lợi, thoái thác trách nhiệm.

Hiện nay, nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng vẫn đang tiếp tục đàm phán theo nguyên tắc Thường trực Chính phủ đã kết luận tại Thông báo số 270/TB-VPCP ngày 22/6/2024.

Cụ thể, tại Thông báo số 270, Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước làm việc với các nhà đầu tư, tổ chức cung cấp tín dụng theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT và các bên cung cấp vốn phải có trách nhiệm cùng chia sẻ rủi ro, phải có giải pháp cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi vay, điều chỉnh phương án trả nợ phù hợp.

Trường hợp đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Thường trực Chính phủ yêu cầu phải xác định được giá trị thuộc trách nhiệm nhà nước phải thanh toán, sử dụng nguồn nào và thẩm quyền quyết định; các bên có trách nhiệm chia sẻ tối đa rủi ro theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” (Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên cung cấp vốn để đàm phán theo hướng không có lợi nhuận vốn chủ sở hữu và không tính lãi vay trong giá trị dự kiến đề nghị thanh toán).

Riêng đối với giải pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tại Công văn số 1489, Bộ GTVT cho biết, ngân hàng cung cấp tín dụng đề xuất Nhà nước hỗ trợ thêm một phần lãi vay đối với khoản vay tín dụng để bù đắp lãi suất huy động vốn của ngân hàng.

Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, trong quá trình hoàn thiện Đề án, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xây dựng nguyên tắc chia sẻ của các bên đối với từng giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua làm cơ sở triển khai thực hiện.

“Để bảo đảm cơ sở chính trị, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện Đề án tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, trình Đảng ủy Chính phủ thông qua, trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương (dự kiến trong tháng 3/2025), làm cơ sở để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc dự án BOT giao thông (dự kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2025)”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà - một trong 4 dự án đang khai thác dự kiến bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả tài chính và tiếp tục thực hiện hợp đồng cho biết, do giải pháp thực hiện theo hợp đồng không khả thi, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu giải pháp sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ.

Theo kết quả tính toán, trường hợp được cấp có thẩm quyền bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ 70% tổng vốn đầu tư (khoảng 1.024 tỷ đồng), kết hợp với các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng tín dụng (như cơ cấu lại khoản vay theo doanh thu thực tế, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay tín dụng đầu tư dự án) thì dự án cơ bản khả thi về tài chính để tiếp tục thực hiện hợp đồng.

“Thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ngân hàng tài trợ vốn thống nhất giải pháp cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi vay, điều chỉnh phương án trả nợ phù hợp với doanh thu thực tế của dự án; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất giảm lợi nhuận phù hợp với doanh thu thực tế của dự án. Vấn đề là cần triển khai sớm chính sách này để giảm áp lực tài chính cho nhà đầu tư và nhà tài trợ tín dụng”, ông Ngô Tiến Cương cho hay.

Hoàn chỉnh Đề án xử lý khó khăn tại một số dự án BOT giao thông
Bộ GTVT giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong để sớm hoàn chỉnh Đề án về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư