Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất nguyên tắc, giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông
Bảo Như - 14/05/2024 08:24
 
Đã xuất hiện những yêu cầu cao hơn liên quan đến các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất.
Trạm thu phí Quốc lộ 91, thuộc một trong những dự án BOT giao thông đang gặp khó khăn

Định rõ lộ trình

“Chúng tôi đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện Đề án Giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để trình lãnh đạo Bộ GTVT”, ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.

Theo lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam, các nguyên tắc xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông đang được hoàn thiện sẽ không chỉ áp dụng cho các dự án do Bộ GTVT quản lý, mà còn là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền địa phương vận dụng gỡ khó cho các công trình hạ tầng giao thông được triển khai trên địa bàn.

Việc Cục Đường cao tốc Việt Nam trình đề án này tới lãnh đạo Bộ GTVT chỉ là bước đi đầu tiên trong lộ trình xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và xem xét phê duyệt trước khi áp dụng cho 11 dự án BOT giao thông được đầu tư trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Tại Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 3/5/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát, thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản nêu trên; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện Hồ sơ (Đề án) báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Phó thủ tướng lưu ý Bộ GTVT tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông, bao gồm cả dự án do Bộ GTVT quản lý và dự án do các địa phương quản lý; rà soát kỹ lưỡng các nguyên nhân chủ quan, khách quan, những bất cập do thay đổi chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

“Kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư (doanh nghiệp, nhà đầu tư phải hoàn toàn phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký); đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động tiêu cực khi thực hiện các cơ chế, chính sách đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Về nội dung hồ sơ trình, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, hoàn thiện Hồ sơ (theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Quy chế làm việc của Chính phủ); chủ động lấy ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và các cơ quan của Đảng, của Quốc hội; tiếp thu giải trình đầy đủ trước khi trình Thường trực Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.

Để kịp tiến độ triển khai, Bộ GTVT được giao báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc cho phép báo cáo vào đầu tháng 5/2024; hoàn thiện Hồ sơ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (có văn bản gửi Văn phòng Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép gửi Hồ sơ trước ngày 20/5/2024).

Trước đó, vào đầu tháng 3/2023, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 2451/TTr-BGTVT gửi Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Trong đề xuất mới nhất lên cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT đã đưa ra được các nguyên tắc, trình tự xử lý, phạm vi áp dụng - một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách khi xử lý các dự án BOT gặp khó khăn.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thống nhất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc đối với 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng khoảng 10.650 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai thực hiện.

Trường hợp không thể cân đối đủ từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023, báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các quy định, cho phép các ngân hàng thực hiện giải pháp giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay tín dụng đầu tư các dự án BOT giao thông nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và ngân hàng cung cấp tín dụng.

Tìm nguồn xử lý

Được biết, trong số những góp ý với các đề xuất của Bộ GTVT về việc xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đáng chú ý là các ý kiến rất có “sức nặng” của Bộ Tài chính.

Trong Công văn số 4241/BTC-ĐT gửi Văn phòng Chính phủ vào cuối tháng 4/2024 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng ký, Bộ Tài chính cho rằng, nội dung Tờ trình số 2451 của Bộ GTVT đã bám sát các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, trong đó đã bổ sung vướng mắc, khó khăn của các dự án BOT đường bộ do địa phương là cơ quan có thẩm quyền; đề xuất nguyên tắc, giải pháp tổng thể để xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT đường bộ trên phạm vi toàn quốc; đề xuất phương án xử lý đối với các dự án BOT đường bộ cụ thể do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nội dung Tờ trình số 2451 mới phản ánh chi tiết các vướng mắc, bất cập, thực trạng doanh thu và đề xuất biện pháp xử lý, đánh giá tác động của biện pháp xử lý của từng dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, mà chưa phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án BOT do địa phương là cơ quan có thẩm quyền và chưa cập nhật một số chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về chủ trương xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan đến dự án BOT.

Đây là lý do Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT tiếp tục tổng hợp, bổ sung đánh chi tiết đối với quy định tại các hợp đồng BOT, vướng mắc, khó khăn và đánh giá tác động của đề xuất đối với dự án BOT do địa phương là cơ quan có thẩm quyền; đề xuất cụ thể về cơ chế xử lý và dự kiến nhu cầu vốn nhà nước phải cân đối cho các dự án BOT do địa phương là cơ quan có thẩm quyền để xử lý dứt điểm các vướng mắc của dự án BOT theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT bổ sung dư nợ tín dụng của các dự án BOT đang gặp khó khăn, phương án quản lý, khai thác, vận hành đối với các dự án BOT kiến nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sau khi đã hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng.

Trường hợp cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn nhà nước để xử lý các vướng mắc của các dự án BOT, Bộ Tài chính đề nghị sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của cơ quan có thẩm quyền để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Về kiến nghị xử lý 8 dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, trong đó kiến nghị sử dụng khoảng 10.650 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ đang tổng hợp để trình cấp thẩm quyền phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023. Theo đó, dự kiến bố trí cho chi đầu tư phát triển là 26.900 tỷ đồng cho 4 ngành, lĩnh vực, nhiệm vụ (trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trong tổng số 26.900 tỷ đồng, dự kiến cho chi đầu tư phát triển nêu trên, lĩnh vực giao thông dự kiến được phân bổ 19.380 tỷ đồng và không dự kiến phân bổ cho việc xử lý các dự án BOT như kiến nghị của Bộ GTVT.

“Hiện nay, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chưa phân bổ khoảng 47.500 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xác định nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đảm bảo theo đúng quy định”, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất.

Danh sách 11 dự án BOT gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị xử lý

8 dự án do Bộ GTVT làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa (bao gồm tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây đoạn Km0 - Km6)

- Dự án Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT

- Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk

- Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889

- Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc

- Dự án Xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì

- Dự án Xây dựng công trình cầu Thái Hà

- Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả

3 dự án do các địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT (UBND tỉnh Lạng Sơn)

- Dự án Xây dựng cầu An Hải (UBND tỉnh Phú Yên)

- Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 39B và đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê (UBND tỉnh Thái Bình)
Rõ thêm cơ chế xử lý vướng mắc tại dự án BOT giao thông
Nguyên tắc cao nhất khi xử lý các khó khăn khách quan tại một số dự án BOT giao thông là phải bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư