Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác đang chờ... chính sách
Nhiệt Băng - 25/08/2022 12:45
 
Diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác đang chờ quy định, chính sách xử lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa trả lời cử tri tỉnh Ninh Thuận về chính sách bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác.

Theo cử tri tỉnh Ninh Thuận, việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 2242/QĐ-TTg) là cần được xem xét.

Vì, Quyết định số 2242/QĐ-TTg đến năm 2020 hết hiệu lực, nhưng chưa có chủ trương mới để thực hiện giai đoạn tiếp theo (từ năm 2021 đến nay), chưa có chính sách để thực hiện tiếp tục hỗ trợ địa phương kinh phí công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Cử tri tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá toàn bộ về chính sách bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc hỗ trợ chính sách bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp từ năm 2021 và các năm tiếp theo.

Phúc đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tại điểm h và điểm f, khoản 1 Điều 91, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, quy định các chương trình, dự án và hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư theo các chính sách hiện hành được tiếp tục thực hiện cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới.

Trong đó, đối với diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp đóng cửa rừng được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để bảo vệ. Mức hỗ trợ áp dụng quy định tại khoản 3, Điều 6, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

“Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trình Chính phủ tại Tờ trình số 6859/TTr-BNN-TCLN ngày 22/10/2021 và tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ tại Báo cáo số 3078/BC-BNN-TCLN ngày 17/5/2022, trình Chính phủ để xem xét, ban hành. Dự thảo Nghị định đã quy định các chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng nói chung, chính sách cụ thể theo loại rừng và đối tượng, trong đó có quy định về kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng tự nhiên”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá, đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất trong thời gian đóng cửa rừng theo quy định tại Điều 32, Luật Lâm nghiệp, ngày 12/7/2022 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 809/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đóng cửa rừng tự nhiên để đảm bảo phát triển bền vũng
Đóng cửa rừng là việc cần làm ngay nhằm đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư