Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Rút tiền: Không xảy ra hiệu ứng domino
Vân Linh - 04/08/2014 09:47
 
Thanh khoản của ngân hàng được đảm bảo, không có tình trạng người dân kéo đến rút tiền khi một số nhân sự chủ chốt của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị khởi tố. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vietcombank cử nhân tài sang Ngân hàng Xây dựng
Chứng khoán Đại Việt miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT vừa bị bắt giam
NHNN cam kết hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng đảm bảo thanh khoản
Bắt Nguyên chủ tịch, tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng
Nhân viên ngân hàng phì cười vì tên cướp ngớ ngẩn

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho biết, tình hình hoạt động của VNCB trong những ngày vừa qua vẫn trong tầm kiểm soát và NHNN luôn có sự giám sát chặt chẽ để hỗ trợ kịp thời. NHNN cũng đã có những giải pháp củng cố tổ chức và hoạt động để VNCB hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, NHNN chưa phải bỏ ra đồng nào để cứu trợ cho VNCB. Điều đó cũng có nghĩa tiềm lực của VNCB vẫn còn.

  Rút tiền: Không xảy ra hiệu ứng domino  
  Khách hàng đã hiểu rõ hơn về tái cơ cấu ngân hàng và không có tình trạng rút tiền hàng loạt khi ngân hàng có biến động  

Trước đó, việc 3 lãnh đạo chủ chốt của VNCB gồm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và một thành viên HĐQT bị khởi tố và bắt giữ hôm 29/7, đã không dẫn đến tình trạng người dân kéo nhau đến rút tiền như một số trường hợp trước đây. Thanh khoản của VNCB vẫn được đảm bảo.

Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN cũng có các biện pháp dự phòng, trong đó có hỗ trợ thanh khoản cho VNCB. Một ngày sau sự cố, đã có tình trạng một số người dân tới rút tiền. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2, tình trạng gần như không còn. NHNN cũng lưu ý tất cả các khoản tiền gửi tại VNCB, tương tự các ngân hàng khác đều được bảo hiểm.

Theo Phó thống đốc Thanh, tiền gửi hợp pháp của người dân sẽ được đảm bảo, do đó nếu khách hàng nào vội rút tiền khi chưa đến kỳ hạn sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn. Mặt khác, để hỗ trợ VNCB trong quá trình tái cấu trúc, NHNN cũng đã có chỉ đạo Vietcombank (VCB) tham gia hỗ trợ thanh khoản cho VNCB, đồng thời phát triển hợp tác trong lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin.

“Chúng tôi khẳng định, tiền người dân gửi ở VNCB là không bao giờ mất, còn việc cơ cấu VNCB thành công đến mức độ nào cần có thời gian thực hiện. Dĩ nhiên chúng tôi muốn nó thành công, chứ không phải thất bại”, Phó thống đốc Thanh cho biết.

Phát biểu tại lễ ký giữa VCB và VNCB chiều ngày 1/8, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch VCB cũng cho biết, đây là một chương trình hợp tác trên cơ sở tự nguyện giữa hai bên, tạo cơ hội quan trọng góp phần giúp VNCB thực hiện cơ cấu lại thành công và phát triển an toàn, bền vững. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho VCB có thêm cơ hội hợp tác kinh doanh với một đối tác trong nước.

Đây không phải trường hợp đầu tiên một ngân hàng khỏe mạnh đứng ra hỗ trợ khẩn và cam kết bảo lãnh lâu dài cho một ngân hàng yếu kém, gặp khó khăn về thanh khoản. Hồi tháng 10/2011, BIDV đã được chỉ định đứng ra hỗ trợ cho Ngân hàng Bắc Á và GP Bank với tổng hạn mức 8.000 tỷ đồng. Hai tháng sau đó, BIDV cũng đứng ra hỗ trợ cho 3 ngân hàng sắp phải hợp nhất là Tín Nghĩa, Sài Gòn và Đệ Nhất với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Sau đó, 3 ngân hàng này đã hợp nhất thành Ngân hàng thương mại SCB.

Nhiều chuyên gia cho hay, với SCB, do là trường hợp đầu tiên về M&A trong ngân hàng nên nhiều điều còn mới mẻ. Vì thế, NHNN đã có sự giám sát và định hướng chặt chẽ với vai trò của “người trông trẻ”. Nhờ vậy, SCB đã từng bước vượt qua khó khăn khi đã hoàn tất được việc trả tái cấp vốn 20.000 tỷ đồng vào tháng 9/2013 hay từng bước được  miễn giảm lãi quá hạn để tháo gỡ những khó khăn ban đầu trong quá trình tái cấu trúc cho Ngân hàng hợp nhất đầu tiên. 

Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, hiện tâm lý người dân đã dần quen và hiểu hơn về tái cấu trúc ngân hàng - vốn được xem là lĩnh vực nhạy cảm. Vì thế, với các ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu vẫn huy động tiền gửi tốt. Tuy nhiên, cũng cần một thời gian nhất định để ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập mới có thể ổn định và phát triển trở lại, bởi điều này còn tùy vào năng lực, sức mạnh nội tại của các nhà băng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư