Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sai Gon Food quyết đưa thương hiệu đến bàn ăn mỗi gia đình
Công Sang - 18/11/2015 09:13
 
Trong chiến lược kinh doanh mới công bố, Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food (SGF) đặt mục tiêu đưa thương hiệu xuất hiện thường xuyên hơn trong bữa ăn của các gia đình bằng một số dòng sản phẩm phân phối trực tiếp vào các chợ truyền thống.
TIN LIÊN QUAN

Tháng 8 năm nay, Công ty TNHH Thương mại SGF được thành lập với 100% vốn từ Công ty cổ phần Sài Gòn Food. Theo đó, công ty mới có nhiệm vụ phát triển kênh truyền thống, bán hàng ở các chợ truyền thống, nhằm phân phối hai mặt hàng chính là nước dùng lẩu cô đặc và tương ớt wasabi. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Công ty mở rộng kênh phân phối ở các chợ lớn tại TP.HCM, Hà Nội và đến cuối năm 2016 sẽ phủ kín các chợ lớn trên khắp cả nước.

Được thành lập từ năm 2003 với vốn điều lệ 5 triệu USD, SGF hiện sở hữu 3 xưởng sản xuất ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, với tổng diện tích sản xuất 13.500 m2. Năm 2015, SGF dự kiến đạt sản lượng 8.000 tấn, doanh thu 18 triệu USD, trong đó doanh thu từ việc xuất khẩu các sản phẩm từ cá hồi, cá basa, tôm… cho thị trường Nhật Bản chiếm 75-80%.

Với các sản phẩm mới, SGF tiếp tục áp dụng chiến thuật tiếp thị trực tiếp ở các chợ truyền thống
Với các sản phẩm mới, SGF tiếp tục áp dụng chiến thuật tiếp thị trực tiếp ở các chợ truyền thống

Mặc dù chiếm tỷ trọng khiêm tốn (20-25%), nhưng thị trường trong nước chưa bao giờ kém quan trọng trong mắt bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc SGF, bởi theo bà, việc phát triển song song 2 thị trường là chiến lược bền vững đã tạo nên thành công của SGF trong nhiều năm qua. Năm 2007-2008, khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, hợp đồng xuất khẩu hạn chế, nhưng nhờ doanh thu trong nước tăng, nên SGF mới vượt qua khó khăn.

Theo báo cáo hồi tháng 7/2015 của Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen Việt Nam, 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh vẫn nằm ở các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa; 20% còn lại là ở các siêu thị. Chính vì thế, việc phát triển kênh truyền thống song song với kênh siêu thị sẽ giúp SGF vững chân hơn trong thị trường nội địa.

“Sắp tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực với SGF vào Việt Nam, thì mặt trận đầu tiên họ chiếm chắc chắn là các kênh siêu thị, bán lẻ hiện đại, bởi các kênh truyền thống đòi hỏi phải am hiểu địa phương”, bà Lâm phân tích và cho biết, để bán được trong chợ truyền thống, thì sản phẩm phải có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường. Đó là lý do SGF đưa ra sản phẩm nước dùng lẩu cô đặc và tương ớt wasabi - những sản phẩm chủ lực để tiếp cận kênh phân phối này.

Bà Lâm thừa nhận, việc xây dựng kênh phân phối truyền thống thường đòi hỏi chi phí đầu tư nhiều và khó khăn lớn hơn so với việc xây dựng kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, tiềm năng thị trường mới là đích mà SGF nhắm đến. Không chia sẻ mục tiêu kinh doanh cụ thể, nhưng bà Lâm cho biết, cơ cấu doanh thu của Công ty sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới bằng sự tăng trưởng mạnh ở khu vực nội địa.

Khi được hỏi vì sao SGF ra sản phẩm mới đúng lúc người tiêu dùng có xu hướng “né” các thực phẩm đóng gói trước thông tin Việt Nam mỗi năm có từ 100.000 đến 150.000 ca ung thư mới từ Bệnh viện K, trong đó 30% có nguyên nhân từ các loại thực phẩm sử dụng chất bảo quản, bà Lâm cho biết, đây là cơ hội hơn là thách thức, bởi người tiêu dùng đang quay lại với các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên vốn là lợi thế của SGF.

“Về bài toán niềm tin, đây không phải lần đầu SGF gặp tình trạng này. Năm 2012, khi lần đầu ra mắt dòng sản phẩm cháo tươi bổ dưỡng, SGF cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận người tiêu dùng. Trong khi  các sản phẩm cháo ăn liền chỉ bán 3.000 đồng/gói, thì cháo tươi của SGF có giá gần 20.000 đồng, nhưng có thể giữ được cả tháng mà không dùng chất bảo quản”, bà Lâm nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư