Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Samsung tìm thêm doanh nghiệp Việt làm nhà cung cấp linh kiện
Nguyên Đức - 18/07/2015 08:40
 
Cơ hội đang mở ra cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, khi Samsung - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay - đang tiếp tục “săn” tìm DN nội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của họ.

Chính thức đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) từ tháng 4/2014, song chỉ 8 tháng sau, tức là đầu tháng 1/2015, Công ty TDBH đã có được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Công ty Bokwang, một trong những nhà cung cấp cấp 1 (vendor cấp 1) của Samsung. TDBH cũng nhận được sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Bokwang để có thể đủ sức gia công, cung cấp các loại khuôn mẫu tinh xảo mà theo ông Yên Đức Tiến, Giám đốc Công ty TDBH, là đòi hỏi độ chính xác rất cao, với dung sai là 0,5%.

Doanh thu chưa lớn, năm ngoái là hơn 60.000 USD và dự kiến năm nay nâng lên 400.000 USD, và cũng chỉ mới “chân ướt chân ráo” trở thành vendor cho Samsung, song TDBH đã đặt mục tiêu trở thành vendor cấp 1 của Samsung vào năm 2016. Mục tiêu doanh thu mà TDBH đặt ra cho năm tới là 700.000 USD.

Hiện có hàng chục doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng nguyên vật liệu cho Samsung
Hiện có hàng chục doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng nguyên vật liệu cho Samsung

 

Trong khi đó, Thành Long Electronic được thành lập từ cuối năm 2006 và từ tháng 10/2010 đã trở thành nhà cung cấp linh kiện điện tử để sản xuất các loại dây sạc pin (PCB, trans), cable cho một vendor cấp 1 của Samsung là RFTECH. Công việc kinh doanh khá thuận lợi, nên từ tháng 6/2012, Thành Long Electric đã đầu tư thêm 4,5 triệu USD để tăng năng lực sản xuất và cuối năm ngoái, tiếp tục thành lập thêm một xưởng sản xuất dây cable tại Bắc Ninh, với vốn đầu tư 200.000 USD.

Chỉ riêng trong năm 2014, Thành Long Electric đạt doanh thu 12 triệu USD và mục tiêu trong năm 2015 là 20 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Thành Long luôn ở mức 150%/năm kể từ năm 2010 đến nay là lý do để ông Hoàng Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty tin tưởng ở khả năng phát triển của doanh nghiệp mình.

Hai công ty, hai thời điểm kinh doanh khác nhau, nhưng cùng là vendor cấp 2 của Samsung và cùng có chung mục tiêu trở thành vendor cấp 1. Chia sẻ về mong muốn này, ông Yên Đức Tiến cho rằng, để có thể trở thành vendor cấp 1 của Samsung thì còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. “Muốn thành vendor cấp 1 thì phải có nhân viên có tay nghề kỹ thuật cao, phải đầu tư máy móc, thiết bị. Nhiều DN Việt muốn mở rộng quy mô, nhưng lại không đủ khả năng tài chính”, ông Tiến nói.

Dù vẫn là vendor cấp 2, nhưng bước đi của Thành Long, của TDBH đã khẳng định rằng, DN Việt hoàn toàn có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. “Tôi cho rằng, thời gian tới đây, cơ hội cho DN Việt Nam còn lớn hơn nữa”, ông Tiến lạc quan.

Trên thực tế, cũng đã có vendor cấp 1 là DN Việt. Đó là các công ty Việt Hưng và Thăng Long. Cả hai DN này đã cung cấp nguyên phụ liệu cho Samsung ngay từ những ngày đầu Samsung đầu tư tại Việt Nam. Tuy chỉ cung cấp bao bì, nhưng đó cũng là nỗ lực và thành công của DN Việt Nam.

“Điều quan trọng khi cung ứng hàng cho Samsung là phải xác định được năng lực của mình, cả về chất lượng, tiến độ giao hàng, số lượng và cả vấn đề giá cả cạnh tranh”, ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long chia sẻ.

Cũng phải nhắc tới câu chuyện của một năm trước đây, khi Samsung lần đầu tiên tổ chức một hội thảo, triển lãm với mong muốn tìm kiếm các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của họ, không ít DN Việt đã thốt lên rằng, các điều kiện mà Samsung đưa ra, bao gồm cả vấn đề bảo vệ môi trường, thực thi luật pháp, thời gian giao hàng… là quá khó, không thể đáp ứng.

Nhưng thực tế, thông tin từ ông Jang Ho Young, Phó tổng giám đốc Công ty Samsung Điện tử Việt Nam cho biết, hiện đã có 41 DN Việt Nam tham gia cung ứng nguyên vật liệu cho Samsung. Trong số này, 4 nhà cung cấp đã ký hợp đồng trực tiếp, 28 DN là vendor cấp 2. Ngoài ra, một số DN đang được Samsung xem xét để hợp tác.

“Chúng tôi thực sự luôn mở rộng cửa cho các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, mong họ tiếp tục tìm đến với Samsung”, ông Jang Ho Young nói.

Thông tin cũng được ông Jang Ho Young cho biết, 13 vendor cấp 1 của Samsung, bao gồm các công ty như Intops Việt Nam, Nano-Tech, Jahwa Vina, Bujeon Việt Nam, Elentec Việt Nam…, cũng đã có mặt tại Triển lãm - Hội thảo công nghiệp hỗ trợ, do Samsung tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/7 vừa qua. Các cuộc tiếp xúc giữa DN Việt Nam và Hàn Quốc đã được tổ chức, nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng doanh thu đến mức chóng mặt của các vendor này trong giai đoạn 2010 - 2015, như Seowon Intech tăng doanh thu gấp 25 lần, từ 5,3 triệu USD 130 triệu USD; Elentech Việt Nam từ 1 triệu USD lên 200 triệu USD; rồi Jahwa Vina, từ 3 triệu USD lên 133 triệu USD…, có thể thấy, cơ hội cho DN Việt Nam còn rất lớn.

Samsung Điện tử hiện đã tăng cường thu hút đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hiện lên tới 11,2 tỷ USD. Năm ngoái, Samsung đã xuất khẩu 26,3 tỷ USD và con số dự kiến trong năm nay là 30 tỷ USD. Cùng với xuất khẩu tăng mạnh, nhu cầu mua linh phụ kiện của Samsung cũng rất lớn. Và đó là cơ hội để DN Việt bán hàng.

“Do sản phẩm của Samsung được tiêu thụ trên toàn thế giới, nên yếu tố chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy khởi đầu có khó khăn, nhưng tôi mong rằng, các DN Việt Nam giữ vững ý chí, cố gắng và quyết tâm để cùng tham gia với Samsung trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Các DN Việt Nam đã bắt đầu có được sự tin cậy của Samsung và tôi hy vọng, tới đây các hợp đồng mua hàng càng lớn hơn nữa”, ông Han Myoung-sup, Tổng giám đốc Samsung Complex nói và cho rằng, cùng quyết tâm của DN, thì Chính phủ Việt Nam cũng cần hỗ trợ DN trong nước. Điều này cũng đã được Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhắc tới.

Nhẹ gánh cam kết đầu tư cho R&D
Các quy định mới về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành (ngày 15/6/2015), sẽ tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư