Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi, tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế
Hà Nguyễn - 29/05/2022 10:31
 
5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3%. Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, nên đã tập trung thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Sự phục hồi của nền kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh được thúc đẩy.

Con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh là nguyên nhân cơ bản đưa tới các chỉ số tích cực như vậy.

Sản xuất công nghiệp đang dần khởi sắc

Tháng Năm, các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều có xu hướng tăng trưởng tích cực. Chẳng hạn, ình Dương tăng 9%; Hà Tĩnh tăng 6,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,5%; Hải Dương tăng 3,6%; Vĩnh Long tăng 3,4%; Thái Nguyên tăng 3%; Long An tăng 2,7%; Quảng Ninh tăng 2,3%...

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy chưa trở lại với mức tăng trước Covid-19 (IIP 5 tháng các năm 2018-2019 tăng 10,3% và 9,5%), nhưng 8,3% vẫn là một con số tích cực.

Trong 5 tháng đầu năm, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%), đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,1%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Đáng mừng là, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và chỉ còn giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh việc một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chẳng hạn, Bạc Liêu tăng 7,8%; Quảng Bình tăng 10,9%; Lai Châu tăng 13%; Thanh Hóa tăng 17,3%; Bắc Ninh tăng 19,9%; Quảng Nam tăng 22,4%; Bình Phước tăng 22,6%; Hà Giang tăng 25,8%; Bắc Giang tăng 45,7%.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Chẳng hạn, Ninh Bình tăng 1,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,1%; Đắk Nông tăng 3,8%; Bắc Kạn tăng 4,1%; Tiền Giang tăng 4,5%; Long An tăng 5%. Trong khi đó, hai tỉnh có IIP 5 tháng giảm là Trà Vinh (giảm 1,3%) và Hà Tĩnh (giảm 0,1%).

Như vậy, dù xu hướng hồi phục là khá rõ ràng, song cũng vẫn còn những khó khăn nhất định, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và cả do chi phí nguyên liệu đầu vào đang tăng cao.

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2022 tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,1% và giảm 4,5%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,1% và giảm 1,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,8% và tăng 6%.

Lao động tăng cũng là chỉ số cho thấy sự phục hồi trong sản xuất. Tuy nhiên, nhìn vào các con số trên có thể thấy, khó khăn cũng vẫn còn, khi số lượng lao động tại các doanh nghiệp nhà nước và cả ngoài nhà nước vẫn giảm so với cùng thời điểm năm trước.

Thời điểm ngày 1/5 năm ngoái, dịch bệnh Covid-19, với biến chủng Delta, chưa bùng phát mạnh ở TP.HCM và các địa phương lân cận.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư