Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Sản xuất... mong manh
Bảo Duy - 06/12/2013 14:19
 
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 của Việt Nam vừa được công bố tiếp tục cho thấy sự ổn định mong manh trong hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.
TIN LIÊN QUAN

PMI là chỉ số tổng hợp được xây dựng để đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất và đóng vai trò như một chỉ số hàng đầu cho toàn bộ nền kinh tế.

Với mức tăng chậm lại, từ 51,5 điểm trong tháng 10 xuống còn 50,3 điểm trong tháng 11 do số lượng đơn hàng mới giảm, chỉ số dự báo các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam vẫn quanh ngưỡng 50 - giới hạn cảnh báo nguy cơ sụt giảm.

Tình trạng tăng trưởng chậm trong hoạt động sản xuất được ghi nhận liên tiếp trong 3 tháng trở lại đây. Nguy cơ đình trệ sản xuất kéo sang năm 2014 là hiện hữu, nếu không có những cải thiện mạnh mẽ hơn về điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Kết quả khảo sát tháng 11 cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong 3 tháng.

Mức giảm nhẹ diễn ra sau khi đã tăng kỷ lục vào tháng 10 và được cho là phản ánh cầu yếu hơn. Trong khi đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 11 do khó khăn từ phía nguồn cung, dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu.

Đặc biệt, giá cả đầu ra của các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng nhẹ trong tháng 11 và đây là tháng thứ hai sau thời kỳ 6 tháng liên tiếp giảm giá đầu ra. Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển gánh nặng chi phí nguyên vật liệu cao sang cho khách hàng. Đây sẽ là điểm bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi áp lực cạnh tranh đang rất căng thẳng.

Chính vì vậy, cho dù có cải thiện hơn chút ít về sản lượng và việc làm, song với tình hình này, chỉ số PMI tháng 12 rất khó được cải thiện. Cũng phải nhấn mạnh, số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong 3 tháng phản ánh cầu tiêu dùng yếu hơn đối với hàng hóa của Việt Nam, cả cầu trong nước và nước ngoài. Việc này sẽ tác động trực tiếp tới sản xuất trong những tháng đầu năm tới.

Trong khi đó, tình hình doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa trong các lĩnh vực sản xuất và các dịch vụ liên quan tiếp tục tăng lên. Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, số doanh nghiệp rút lui trong 11 tháng qua tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong ngành vận tải, kho bãi, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 10,9%; trong lĩnh vực cho thuê máy móc, thiết bị tăng 6%, xây dựng tăng 7,9%... Cho dù vẫn có sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới thành lập trong các lĩnh vực này, song tác động của các doanh nghiệp mới vào hoạt động sản xuất thường thấp hơn.

Cũng phải nhắc lại, sự bấp bênh ở ngưỡng giảm tăng trưởng sản xuất là điều đáng lo ngại, nhất là khi các tháng trong quý II năm nay đã ghi nhận sự giảm sụt mạnh của chỉ số PMI. Nếu thu nhập từ sản xuất không được cải thiện mạnh hơn, sức mua sẽ giảm và vòng xoáy giảm cả cung và cầu tất yếu sẽ quay trở lại.

Trong bối cảnh này, với sự đóng góp lớn của khu vực đầu tư nước ngoài vào xuất khẩu, chiếm tới 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng, xem ra việc cải thiện hoạt động xuất khẩu vẫn phải trông chờ nhiều vào khu vực doanh nghiệp này.

Như vậy, cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất mà các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo được tại thị trường Việt Nam có nguy cơ bị chậm lại, ảnh hưởng trực tiếp tới việc khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU…

Kích hoạt động lực tăng trưởng kinh tế
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã đề ra mục tiêu năm 2014 và 2015 là “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư