Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sáng tạo ứng dụng di động giành giải thưởng 800 triệu đồng
Tú Ân - 10/09/2015 12:10
 
Ngày 10/9, Hội Tin học Việt Nam, Công ty Công nghệ Huawei Việt Nam và Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ Phát động Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2015. Tổng giải thưởng lên đến 800 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN

Trước đó, tháng 11/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Huawei đã phát động và tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013, viết các phần mềm và ứng dụng di động trên nền tảng Hệ điều hành Android, dành cho các bạn sinh viên ngành ICT, và các sinh viên Việt Nam yêu thích sáng tạo ICT trên cả nước. Tổng giá trị Giải thưởng của Cuộc thi lên đến 50.000 USD. Lễ trao giải cuộc thi này đã được tổ chức vào tháng 11/2014 cho 26 sản phẩm của các tác giả và nhóm tác giả là sinh viên của các trường Đại học đào tạo về chuyên ngành ICT trên cả nước.

Theo thông tin mới nhất từ Ban Tổ chức Cuộc thi, các tác giả đoạt giải thưởng của Cuộc thi năm 2013 đến nay phần lớn đã tốt nghiệp và làm việc ở các Tập đoàn, công ty lớn như VNG, FPT, Jupitech Việt Nam, Gentotech,Công ty IMT Solution...

Đặc biệt, Lê Yên Thanh, chủ nhân ứng dụng "Busmap - Xe bus thành phố" -Giải nhất Sáng tạo ứng dụng di động 2013 đã được Sở Giao thông vận tải TP.HCM hợp tác và phát triển thêm nhiều tính năng mới hữu ích.

Sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tìm hiểu cuộc thi
Sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tìm hiểu Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2015.

 

Phát huy thành công của Cuộc thi 2013, Huawei và Hội Tin học Việt Nam cùng VNG sẽ tiếp tục tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2015. Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2015 là cuộc thi dành cho các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, học viện có đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực CNTT-TT và các sinh viên yêu thích sáng tạo CNTT-TT, có các sản phẩm,ứng dụng di động được lập trình, xây dựng trên nền tảng hệ điều hành Android.

Cuộc thi là một trong những hoạt động nằm trong Đề án phát triển nguồn nhân lực ICT giai đoạn 2015 - 2017 của Huawei hỗ trợ cho ngành ICT Việt Nam.

 Cuộc thi diễn ra trong 2 tháng, từ ngày 10/09/2015 đến ngày 10/11/2015. Theo đó, các thí sinh đăng ký dự thi, đăng tải sản phẩm/ ứng dụng di động dự thi của mình trên website của Cuộc thi, tại địa chỉ www.khuyenkhichsangtaoviet.net. Cũng trong thời gian này, cộng đồng trực tuyến tham gia bình chọn sản phẩm, ứng dụng tại website của Cuộc thi và nhận giải thưởng từ Ban Tổ chức. Lễ trao giải Cuộc thi năm nay sẽ được tổ chức tại sự kiện Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 24 (OLP’15).   

Cuộc thi 2015 có giải thưởng trị giá rất cao, với 18 giải thưởng có tổng giá trị lên đến 800 triệu đồng, trong đó có 1 giải Đặc biệt trị giá 150 triệu đồng và 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng

 Điểm mới của Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2015 là Ban Tổ chức khuyến khích các thí sinh sáng tạo ra những sản phẩm/ ứng dụng di động thể hiện trách nhiệm xã hội và cộng đồng, hướng đến giải quyết các vấn đề, nhu cầu thực tiễn của cộng đồng xã hội và của cuộc sống như: học tập, việc làm, giao thông, y tế, thương mại, môi trường…

 Bên cạnh đó, Ban Tổ chức khuyến khích các thí sinh tìm kiếm hợp tác ý tưởng, hỗ trợ công nghệ từ các doanh nghiệp và công bố công khai những sự hợp tác, hỗ trợ này.

 Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu: “Qua cuộc thi sáng tạo ứng dụng di động dành cho sinh viên lần thứ 2 này, chúng tôi mong muốn các bạn trẻ hãy tự tin hơn để sáng tạo theo xu thế nền tảng công nghệ mới trên nền tảng di động. Sản phẩm Busmap đoạt giải nhất của Sáng tạo di động năm 2014 của sinh viên Lê Yên Thanh đã được Sở Giao thông TP. Hồ Chí Minh ứng dụng cho thấy tiềm năng sáng tạo hiệu quả của sinh viên được khởi tạo ngay từ trên ghế nhà trường. Qua sân chơi vừa thú vị, bổ ích và rất hiệu quả này chúng tôi mong rằng các bạn sẽ là các chủ nhân của sáng tạo, khởi nghiệp mang thương hiệu Việt trong thế giới công nghệ ngày nay”.  

Ông Tony Lee, Phó Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam cho biết, thế giới tương lai là thế giới được xây dựng nên nền tảng băng thông rộng di động. Hiện nay đã có hơn 2 tỷ chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được sử dụng và gần 30 triệu ứng dụng di động (App) được tải về và sử dụng. Các ứng dụng mạng xã hội như facebook/twitter đã dần trở thành một thế giới ảo lớn mạnh. Dự tính trong vòng 1 năm tới, số lượng người sử dụng điện thoại kết nối mạng xã hội sẽ vượt quá số người sử dụng máy tính để kết nối. Ba năm sau số lượng sản phẩm di động đầu cuối sẽ cao gấp 3 lần số lượng dân số toàn cầu.

Ông lee
Ông Tony Lee, Phó Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam Lễ Phát động Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2015.

 

"Không biết các bạn ngồi đây có cảm nhận được hay không? Một thế giới khác với cuộc sống của chúng ta là thế giới trong mạng di động. Chính là thế giới trong thiết bị di động đầu cuối nhỏ bé nằm trong lòng bàn tay chúng ta. Chính là trong hàng ngàn hàng vạn ứng dụng di động ICT cũng như công nghệ băng thông rộng, không chỉ nâng cao hiệu quả, liên kết người với người, kết nối con người với vạn vật, tôi cảm thấy quan trọng hơn hết là nó mang đến cho cuộc sống mỗi con người, nâng cao thêm 1 loại khả năng mới", ông Lee nói với sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại Lễ phát động.

 

Theo Đại diện Huawei, hiện nay chúng ta đang sử dụng mạng 3G, vào năm sau có thể hưởng thụ sự phục vụ của mạng 4G. Trong vòng 5-10 năm tới, mạng 5G cũng sẽ gia nhập vào cuộc sống của chúng ta. Chúng có sự khác biệt như thế nào? Ví dụ, khi chúng ta download một bộ phim HD thông qua mạng 3G, chúng ta cần gần 1 tiếng; mạng 4G cần 6 phút và 5G không đến 1 giây. Mạng 3G hiện nay có thể kết nối được 100 triệu thiết bị đồng thời, và khi đến thời đại của mạng 5G, cùng một trạng thái mạng như hiện nay có thể kết nối 100 tỷ thiết bị đồng thời, do mạng 5G có độ trễ không đến 1 mili giây, giúp biến vô số các ứng dụng công nghiệp và tự động trở thành hiện thực.

Sự phát triển của nền tảng hạ tầng công nghệ mạng sẽ mang đến ngày càng nhiều hơn các ứng dụng mới, các mô hình kinh doanh mới và thậm chí là các ngành công nghiệp mới, từ đó làm thay đổi Thế giới.

"Khả năng của con người là nguồn tài nguyên và tài sản lớn nhất. Việt Nam hiện nay có kết cấu nhân khẩu có độ tuổi thanh niên cao nhất thế giới, là cơ sở cơ bản nhất để sáng tạo ra khả năng của con người. Tuổi thanh xuân mà các bạn đang có là khả năng to lớn nhất, nắm bắt được nó, khống chế được nó, làm cho những khả năng mình có được trở thành sự thật, chủ động hòa vào trong làn sóng để thay đổi Thế giới, chính là thông điệp lớn nhất mà chúng tôi hy vọng Cuộc thi này sẽ mang đến cho các bạn", ông Lee cho biết.

 

Thông qua Cuộc thi này, Huawei mong muốn góp phần thúc đẩy phát triển kho ứng dụng Việt dành cho người Việt, qua đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam, thúc đẩy phát triển hơn nữa các dịch vụ băng thông rộng di động và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.

Cũng qua những Cuộc thi này, Huawei một lần nữa khẳng định cam kết đầu tư, hợp tác, kinh doanh lâu dài tại thị trường Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ICT Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ICT, phát triển tài năng ICT Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực ICT, một trong những trụ cột chính của ngành công nghiệp ICT và là một trong những mục tiêu quan trọng được nêu trong Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện.

Cũng nhân dịp này, Huawei Việt Nam công bố Chương trình “Mua 1 máy smartphone Honor 4C dành 1 USD cho chương trình công ích (CSR)” kể từ ngày hôm nay. Theo đó, các khách hàng khi mua mỗi máy smartphone Honor 4C của Huawei sẽ được công ty trích lại 1 USD để thực hiện một hoạt động công ích (CSR). Các sinh viên đoạt giải của Cuộc thi năm nay sẽ là những “đại sứ ICT” cùng thực hiện chương trình CSR này với Huawei Việt Nam. Nội dung cụ thể của chương trình sẽ được Huawei Việt Nam công bố trong thời gian tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư