Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Sắp diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Nguyễn Linh - 19/12/2023 22:33
 
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ diễn ra vào ngày 24/12 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại buổi họp báo thông tin về “Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” trong ngày 19/12, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị nội dung, công tác tổ chức.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. 

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

"Hội nghị được tổ chức thiết thực, cụ thể hóa nhiệm vụ triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các văn bản chỉ đạo, nghị quyết của Đảng với việc phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm tiềm năng, vị thế, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Về công tác chuẩn bị, Ban tổ chức cho biết Hội nghị sẽ có 7 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành tham gia và đều có các bài tham luận liên quan đến nội dung quản lý. Ngoài ra, tại hội nghị sẽ có 15 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý một số doanh nghiệp liên quan.

Theo đó, 3 trung tâm thực hiện công nghiệp văn hóa của cả nước là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sẽ có những báo cáo chuyên đề về kết quả thực hiện, những chuyển biến trong quá trình triển khai và thực hiện công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Riêng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có những số liệu chỉ số phát triển của công nghiệp văn hóa ở từng ngành, từng địa phương cũng như đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP của cả nước trong một vài năm trở lại đây. 

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nêu rõ trọng tâm của Hội nghị là đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược, đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa. 

Thay vì đề xuất đầu tư tràn lan cho 12 ngành công nghiệp văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất tập trung 6 lĩnh vực mà Việt Nam đang có dư địa và tiềm năng gồm: điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.

Các nội dung được lựa chọn sẽ được thảo luận sâu, kỹ và tìm ra những giải pháp hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, bảo đảm phát huy vai trò của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng.

Ông Hoàng kỳ vọng sau Hội nghị, cùng với sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà quản lý, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có sự phối hợp nhịp nhàng, nhiều cách làm, mô hình hay nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa xứng tầm. 

Định hình lối đi riêng cho nền công nghiệp văn hoá Việt Nam
Trong thời đại mới, phát triển văn hóa được xác định là một nội dung quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng quốc gia mà còn khẳng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư