Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sắt thép nhập siêu khủng khoảng 8 tỷ USD
Thanh Hương - 29/12/2016 08:42
 
Theo Tổng cục Hải quan, ước tính cả năm 2016, tổng lượng nhập khẩu thép đạt hơn 18,4 triệu tấn với kim ngạch nhập khẩu là 8,02 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng và 7,3% về giá trị so với năm 2015.

Nhập siêu khủng

Tuy nhiên con số này vẫn chưa tính tới nhập khẩu phế liệu thép và các sản phẩm làm bằng thép với trị giá khoảng 4 tỷ USD nữa.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép và các sản phẩm từ thép cả năm 2016 sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD.

Như vậy, nhập siêu trong lĩnh vực sắt thép năm nay đã trở thành đột phá khi đạt tới khoảng 8 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan cũng cho hay, trong thống kê 10 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất cả năm, thép xếp thứ 5. Các mặt hàng đứng trước gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại.

Xét về thị trường, Trung Quốc cũng là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam. Tính đến hết 11 tháng, đã có gần 10 triệu tấn thép được nhập khẩu từ thị trường này, tăng 18% so với cùng kỳ. Thứ hai là Nhật Bản với 2,4 triệu tấn, tăng 7%; Hàn Quốc đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát khi gặp gỡ các nhà đầu tư cũng thẳng thắn cho hay, vấn nạn thép rẻ được nhập khẩu đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp thép Việt Nam. “Trung Quốc không chỉ phá giá đồng Nhân dân tệ mà còn đang dư thừa rất lớn công suất sản xuất thép lớn, tới cả trăm triệu tấn.  Một vài nhà máy đã đến điểm lỗ nên phải tìm cách xuất khẩu sản phẩm. Điều này đã khiến thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam, gây áp lực lớn với toàn bộ ngành thép nội”, ông Long nói.

Biến hình né thuế

Đánh giá của Bộ Công thương khi tiến hành rà soát Quy hoạch ngành thép mới đây cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, con số này là 20 triệu tấn thép thô.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công thương) cũng cho rằng, Việt Nam không thể không làm thép. “Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phụ vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô”, ông Hoài nói.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát đã cùng với Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý (chiếm 38,6% tổng sản lượng phôi thép sản xuất trong nước và 34,2% với thép dài) đã đứng đơn đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đối với hai mặt hàng này.

Tiếp đó, ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.

Tuy nhiên, đối phó với bị áp thuế tự vệ, thép ngoại đã tìm được cách lách khác khi nhanh chóng kê khai mặt hàng thép dây cuộn (hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại) sang mã HS khác.

Thống kê cho thấy, trước khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn nhập khẩu được kê khai vào mã 7227.90.00 là thép cuộn hợp kim có chứa nguyên tố Bo hoặc Crom, Titan… để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%. Trong 10 tháng của năm 2016, lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.

Thay vào đó, xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với mô tả là loại khác, có thuế suất thuế nhập khẩu là 3%. Điều này đã dẫn tới tổng lượng nhập khẩu trong 10 tháng năm 2016 của mã HS này đã tăng gấp 4 lần về khối lượng so với năm 2015. Riêng tháng 10/2016, đã có 144.000 tấn thép khai mã HS này được nhập khẩu, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.hiện các cơ quan hữu trách đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp để tính toán việc áp mã HS cho phù hợp, tránh để doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng, gây thất thu thuế cho ngân sách.

Thậm chí các doanh nghiệp thép nội còn cho hay, không loại trừ thời gian tới, thép cuộn sản xuất từ Trung Quốc sẽ được bổ sung thêm các nguyên tố đặc biệt nào đó để lại được phân loại vào nhóm khác, hưởng thuế suất thấp, tránh được việc bị áp thuế tự vệ ở mức cao, dù thực tế vẫn là thép xây dựng, thép làm bê tông.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) khi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép có kiến nghị về thép lách luật cũng khẳng định, phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước ở bất cứ quốc gia nào. Biện pháp tự vệ là biện pháp khẩn cấp để bảo hộ cho sản phẩm. Nếu không có biện pháp tự vệ thì ngành sản xuất trong nước có thể bị phá sản, khi đó thép từ Trung Quốc có thể thao túng giá cả trên thị trường.

Dẫu vậy, vị này cũng cho rằng, không thể tùy tiện đưa ra một mức thuế nào đó. "Phòng vệ thương mại là công vụ cuối cùng bảo vệ sản xuất trong nước nhưng không bảo vệ quyền lợi của một cá nhân nào mà bảo vệ quyền lợi của cả ngành", đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh nói. 

Doanh nghiệp thép "tố" hàng nhập khẩu "thay tên đổi họ" để hưởng lợi
Gần 20 công ty sản xuất thép xây dựng với nhiều tên tuổi lớn đã cùng ký tên trong đơn kiến nghị khẩn thiết mong Bộ Công thương, Bộ Tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư