Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Sau IPO, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam triển khai 3 dự án khủng
Chí Tín - 24/03/2015 08:20
 
Tăng vốn gấp 10 lần sau cổ phần hóa, Công ty TNHH Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) sẽ phải căng sức trong 3 năm tới để hoàn tất Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia tại địa điểm mới trên trục đường Nhật Tân đi Sân bay Nội Bài.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Triển lãm Giảng Võ chỉ bán được 3,8% cổ phần IPO
Xây Hội chợ triển lãm trên trục đường Nhật Tân - Nội Bài
Làm 2 siêu dự án, tuyển hàng nghìn nhân sự

Cuối tuần trước, tại phiên đấu giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO),  VEFAC chỉ bán được 620.500 cổ phần, chiếm tỷ lệ 3,8% trong tổng số 16.266.105 cổ phần được IPO. Giá đấu thành công bình quân là 10.058 đồng/cổ phần, với tổng số tiền thu được là 6.240.950.000 đồng.

Sau IPO, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam triển khai 3 dự án khủng
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia sẽ có địa điểm mới trên trục đường Nhật Tân đi Sân bay Nội Bài.

VEFAC được mọi người biết đến với cái tên quen thuộc là Triển lãm Giảng Võ, có địa chỉ tại 148, Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội). Công ty có bề dày hoạt động trong lĩnh vực tổ chức hội chợ, triển lãm… và là đơn vị tổ chức phần lớn các triển lãm, hội chợ… tại Hà Nội trong nhiều năm qua.

Trước phiên IPO, dư luận đặt khá nhiều mối quan tâm đối với VEFAC do công ty này thực hiện cổ phần hóa với một mô hình đặc biệt. Công ty vẫn giữ nguyên vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và gọi thêm tới 90% vốn góp từ các nhà đầu tư bên ngoài. Hiện tại, Tập đoàn Vingroup cam kết sẽ góp vốn để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Theo kế hoạch ban đầu, Vingroup dự định mua 80% cổ phần VEFAC. Sau phiên IPO diễn ra cuối tuần trước, Vingroup sẽ mua nốt số cổ phần IPO không bán hết. Như vậy, số cổ phần mà Vingroup sẽ sở hữu tại VEFAC sẽ lên đến hơn 86%.

Điểm đặc biệt khác của VEFAC là, đây là trường hợp cổ phần hóa gắn với phát triển dự án. Sau cổ phần hóa, VEFAC sẽ triển khai 3 dự án thành phần gắn liền với nhau: Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia trên trục đường Nhật Tân - Nội Bài, Dự án Giảng Võ và Dự án Mễ Trì.

Khi góp vốn vào doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện rất nhiều cam kết ràng buộc trách nhiệm, đó là thực hiện đúng nội dung đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt liên quan đến Khu triển lãm Giảng Võ...

Ngoài ra, bên cạnh việc phát triển các dự án, VEFAC vẫn phải đảm bảo tính liên tục việc tổ chức hội chợ triển lãm. Có nghĩa là, Dự án Giảng Võ chỉ được phê duyệt khi việc tổ chức hội chợ triển lãm đã được chuyển về Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia mới.

Theo đó, Dự án Giảng Võ tại 148 - Giảng Võ sẽ được phê duyệt cụ thể ra sao vẫn còn nằm ở thì tương lai. Trong vòng 3 năm tới, VEFAC sẽ chọn một đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Trên cơ sở đó, VEFAC mới lập dự án đầu tư và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Rõ ràng, đây là một thử thách không nhỏ cho những người trong cuộc, với một mô hình mới mẻ và khối lượng công việc đồ sộ, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ thì các rủi ro tiềm ẩn rất khó lường.

Trong khi đó, ban đầu, Dự án Nhật Tân - Nội Bài và Dự án Mễ Trì chỉ là 1 dự án trung tâm hội chợ triển lãm đặt tại Mễ Trì. Tuy nhiên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia về trục đường Nhật Tân đi sân bay Nội Bài.

Công trình này được xác định là nơi đăng cai tổ chức các sự kiện lớn mang tính chất quốc gia, nên kinh phí đầu tư rất lớn, ước tính sơ bộ ít nhất lên đến 4.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu hỗ trợ.

Còn lại, khu đất tại Mễ Trì trước đây dự định làm trung tâm triển lãm được quy hoạch một phần để xây dựng trụ sở các cơ quan bộ, ngành Trung ương, một phần hình thành Dự án Mễ Trì (Trung tâm Văn hóa - Du lịch - Thương mại).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư