Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Sau năm 2024 sẽ điều chỉnh tăng thêm 5-7% tiền lương
Nguyễn Lê - 19/10/2023 18:25
 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội hồi âm quan tâm của báo chí về nội dung trình Quốc hội liên quan đến cải cách tiền lương.
.
Ông Đinh Ngọc Quý trả lời câu hỏi của báo chí.  Ảnh: Duy Linh. 

Thông tin trên được ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết tại cuộc họp báo chiều 19/10 về dự kiến chương trinh Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV.

Trả lời câu hỏi những nội dung nào về cải cách tiền lương sẽ được trình Quốc hội xem xét, ông Quý nói theo kết luận Hội nghị Trung ương 8 lộ trình thực hiện từ ngày 1/7/2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện 6 nội dung Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.

Trong đó, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương  cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang. Thứ hai là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay.

Thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ 4 là chế độ nâng bậc lương. Thứ 5 là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ 6 là quản lý tiền lương và thu nhập.

Vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương. Chính phủ báo cáo hội nghị Trung ương, nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024 - 2026.

Sau năm 2024, tức từ năm 2025 thực hiện tăng có lộ trình 5-7%, đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực 1 của tư nhân, ông Quý hồi âm báo chí.

Vấn đề khác được báo chí quan tâm là khi thảo luận dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi tại Kỳ họp thứ năm  đã có nhiều ý kiến khác nhau về tên của dự luật này.

Tại phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của cơ quan trình.

Câu hỏi của phóng viên là như vậy có đổi tên dự án luật này thành Luật Căn cước như đề xuất của Chính phủ không?

Trả lời, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, Luật Căn cước công dân sửa đổi đã đưa vào chương trình, nhưng Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Căn cước. Đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau và trong quá trình tiếp thu ý kiến, cơ quan thẩm tra đã rất cẩn thận, chặt chẽ, đã xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đến thời điểm này, đa phần các ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước. Dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đang chỉnh sửa và trình Quốc hội cũng là Luật Căn cước.

Về một số ý kiến cho rằng, sửa Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước hoặc thay các tên thẻ có gây ra tốn kém chi phí không? Ông An nói trong dự án luật đã thiết kế, tính cách để không tác động đến xã hội, tránh phát sinh chi phí, thủ tục không cần thiết.

Cụ thể, sẽ quy định thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày có hiệu lực có thời hạn sử dụng đến ngày ghi trong thẻ và được cấp đổi sang thẻ căn cước khi người dân có nhu cầu.

Vấn đề khác được nêu tại cuộc họp báo là vì sao sau 2 lần xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không trình Quốc hội hai Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao? Nếu không trình Quốc hội tại Kỳ họp này, có thể hiểu là các tập đoàn đang hưởng thuế suất ưu đãi tại Việt Nam sẽ bắt đầu nộp chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp về nước mẹ từ ngày 1/1/2024?

Trả lời ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết các nội dung này đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội xem xét, áp dụng từ năm 2024.

Dự kiến từ năm 2024, chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nhiều nước áp dụng đối với những doanh nghiệp thuộc diện chịu tác động. Do đó, Việt Nam cần ban hành văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh, thay vì để họ nộp thuế thu nhập bổ sung tại nước mẹ.

Ông Vũ Tuấn Anh cho hay, hai dự thảo Nghị quyết đã được Chính phủ trình Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 9. Tại phiên họp tháng 10, Chính phủ đã trình  lần 2 dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

“Đây là chính sách quan trọng, chưa có tiền lệ, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thận trọng, thấu đáo, toàn diện, để đảm bảo mục tiêu giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, giữ chân các nhà đầu tư cũ, thu hút nhà đầu tư mới, đồng thời cũng đảm bảo không vi phạm nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, không làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư của Việt Nam”, đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh.

Với băn khoăn các tập đoàn sẽ phải nộp thuế theo chính sách mới từ năm 2024, ông Vũ Tuấn Anh giải thích, theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thời hạn kê khai thuế thu nhập doanh  bổ sung là 12 tháng, tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu là 18 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Như vậy, việc nộp thuế bổ sung tại nước mẹ của các tập đoàn không phải từ 1/1/2024, mà nếu có nộp thì cũng phải từ năm 2025.

Do vậy, hai dự án này chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế trong nước, tình hình thực hiện ở các nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ hoàn thiện 2 dự án để trình  Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định tại thời điểm thích hợp, đáp ứng được yêu cầu các  cam kết quốc tế, và phù hợp tình hình trong nước.

Lấy phiếu tín nhiệm từ đầu kỳ họp Quốc hội “là bình thường”
Ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Văn phòng Quốc hội sẽ công bố chính thức thông tin cho báo chí.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư