Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sẽ có quy định về tiêu chuẩn cho cơ sở đào tạo sư phạm giáo dục nghề nghiệp
Minh Hải - 29/08/2020 13:21
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp.
Dự thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp đang được công khai, lấy ý kiến góp ý từ người dân, chuyên gia. Ảnh minh hoạ: Minh Hải
Dự thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp đang được công khai, lấy ý kiến góp ý từ người dân, chuyên gia. Ảnh minh hoạ: Minh Hải

Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và sẽ áp dụng đối với học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng (cơ sở đào tạo, bồi dưỡng) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi chính thức được thông qua, ban hành.

Theo dự thảo, về tiêu chuẩn về chương trình, tài liệu bồi dưỡng và cơ sở vật chất, thiết bị thì cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải có chương trình, tài liệu bồi dưỡng được xây dựng, thẩm định và ban hành trên cơ sở chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; Có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Về tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải có đủ giảng viên để giảng dạy, trong đó số giảng viên cơ hữu phải đảm bảo giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; Đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm liên tục trực tiếp giảng dạy trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học trở lên

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải có tối thiểu 30% giảng viên cơ hữu trở lên có chuyên môn đào tạo về sư phạm hoặc giáo dục học hoặc quản lý giáo dục.

Theo dự thảo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao là đầu mối tổng hợp danh sách các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư, trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Hằng năm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tổng hợp kết quả bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng là đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra các điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn và hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư.

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Theo đó, phải ây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp căn cứ chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành đảm bảo phù hợp với từng đối tượng bồi dưỡng; cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập;

Phải xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp cho từng đối tượng tham gia bồi dưỡng, đảm bảo đúng quy định; Quyết định danh sách học viên nhập học; quản lý quá trình học tập, đánh giá kết quả học tập và công nhận kết quả học tập của học viên; Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng; cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Bên cạnh đó, phải tổng hợp và gửi báo cáo kết quả bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trước ngày 31/12 hằng năm.

Trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã được giao nhiệm vụ thí điểm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ "tham vọng lớn" trong giáo dục
Người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, trong nửa năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho ngành giáo dục.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư