Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Sếp DNNN bị trừ lương nếu lơ là quản lý nợ
Hàn Tín - 11/12/2013 10:23
 
“Trường hợp doanh nghiệp chưa ban hành Quy chế quản lý nợ thì coi như hội đồng thành viên (HĐTV), ban điều hành chỉ được hưởng 80% tiền lương hàng tháng”, là một trong những nội dung vừa được Chính phủ quy định  tại Nghị định 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN). >>>

Cũng theo Nghị định 206/2013/NĐ-CP, đối với khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng và tự tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi nợ, cùng chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ.

Với số nợ phải thu khó đòi 2.089 tỷ đồng, năm 2012, PVN chỉ xếp sau Viettel về số nợ xấu

Kể từ ngày 1/2/2014, các giải pháp về xử lý nợ phải được thực hiện đồng bộ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm tài chính, cùng với việc lập và nộp báo cáo tài chính, báo cáo giám sát, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu về tình hình quản lý và thu hồi nợ, xử lý nợ tồn đọng, khả năng và tình hình thanh toán nợ.

Đối với nợ phải thu, DNNN phải ban hành Quy chế quản lý nợ trong đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi các khoản nợ phải thu; mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; thường xuyên phân loại các khoản nợ (nợ chưa đến hạn thanh toán, nợ đến hạn thanh toán, nợ đã quá hạn thanh toán, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi), đôn đốc thu hồi nợ; định kỳ đối chiếu công nợ.

Trường hợp doanh nghiệp chưa ban hành Quy chế quản lý nợ thì coi như hội đồng thành viên (HĐTV), ban điều hành chưa hoàn thành nhiệm vụ và không được trích Quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp, chỉ được hưởng 80% tiền lương hàng tháng.

Trường hợp để cơ quan có thẩm quyền đôn đốc bằng văn bản mà doanh nghiệp vẫn chưa ban hành Quy chế quản lý nợ thì HĐTV, ban điều hành bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp.

HĐTV, ban điều hành có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được, căn cứ vào hậu quả của việc xử lý chậm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, các chức danh này sẽ bị kỷ luật. Thậm chí, nếu không xử lý nợ kịp thời dẫn đến thất thoát vốn nhà nước, HĐTV, ban điều hành phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

Cũng theo Nghị định 206/2013/NĐ-CP, kể từ ngày 1/2/2014, DNNN được quyền bán nợ đã quá hạn, nợ khó đòi, nợ không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ.

Trường hợp bán nợ mà dẫn tới doanh nghiệp bị lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng giải thể, phá sản thì HĐTV, ban điều hành và những người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh khoản nợ khó đòi phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với nợ phải trả, theo Nghị định 206/2013/NĐ-CP, DNNN phải phải đảm bảo hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần. Khi có nhu cầu huy động vốn vượt quy định để đầu tư, doanh nghiệp phải xây dựng phương án cụ thể, xác định rõ kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền trả nợ, báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả.

HĐTV, ban điều hành doanh nghiệp, phải bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ; có trách nhiệm phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không phát sinh các khoản nợ quá hạn; nếu không xử lý kịp thời để phát sinh tình trạng nợ phải trả quá hạn không thanh toán trên 6 tháng, căn cứ vào hậu quả của việc không xử lý kịp thời, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật đối với HĐTV và ban điều hành.

HĐTV, ban điều hành, kế toán trưởng và cá nhân có liên quan đến nợ phải trả chỉ được hưởng thù lao từ Quỹ khen thưởng, phúc lợi và Quỹ thưởng của doanh nghiệp sau khi thanh toán đủ nợ nần và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tính đến đầu năm 2013, tổng số nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 275.975 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2011.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, Viettel có số nợ phải thu khó đòi lên tới 3.282 tỷ đồng, đứng đầu danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có số nợ phải thu khó đòi lớn nhất. PVN có số nợ phải thu khó đòi 1.594 tỷ đồng, Vinachem (125 tỷ đồng), VNPT (2.089 tỷ đồng), EVN (189 tỷ đồng); Vinacomin (449 tỷ đồng), Vietnam Airline (215 tỷ đồng); Vinalines (251 tỷ đồng), Cienco 1 (350 tỷ đồng), Sông Đà (42 tỷ đồng)… cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp có số nợ phải thu khó đòi lớn nhất năm 2012.

Sẽ cho phép doanh nghiệp nhà nước thoái vốn lỗ
Trả lời kiến nghị của Nhóm Công tác thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2013), bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư