Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
"Siêu ủy ban" xin ưu đãi, ưu tiên cho một số dự án thua lỗ
 
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) vừa xin ưu đãi cho một số dự án thua lỗ thuộc quản lý của Ủy ban.

Trong một loạt kiến nghị mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) gửi tới Thủ tướng Chính phủ, nổi lên các đề xuất xin ưu đãi, ưu tiên cho một số dự án khó khăn trong danh sách 12 dự án thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là các dự án Nhà máy Đạm Binh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai, đồng thời có dự án Muối mỏ kali tại Lào hiện đã tạm dừng hoạt động. Động thái này một lần nữa làm dấy lên quan ngại về tình trạng “xin - cho” đối với các doanh nghiệp nhà nước từng tồn tại trước đây, cùng với đó còn là tính khả thi của các giải pháp.

Cần nhắc lại là, cả 3 dự án trên đều thuộc loại khó khăn Vinachem. Trong đó, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được coi là một trong những dự án "sa lầy" nặng nhất. Cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Vinachem đã phải thừa nhận thực trạng nguy ngập của nhà máy này trong các tháng đầu năm 2019, thậm chí căng thẳng tới mức có nguy cơ kéo sập cả Tập đoàn nếu nhà máy rơi vào phá sản.

Theo ông Cường, có thời điểm Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc nhóm khách hàng “cá biệt” tới mức không ngân hàng nào cho vay, chủ yếu hoạt động theo phương thức khách hàng ứng tiền, rồi được đem đi mua than để chạy.

Báo cáo của Bộ Công thương chỉ rõ, việc vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhà máy cũng trong nguy cấp do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" sau mỗi chu kỳ sản xuất. Chưa kể những khó khăn, phức tạp kéo dài liên quan đến tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC) với nhà thầu nước ngoài chưa được xử lý.

Hai dự án còn lại là Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai cũng không khá hơn, tình trạng lỗ tiếp tục kéo dài. Trong đó, Nhà máy Đạm Hà Bắc tính đến hết quý I/2019 lỗ luỹ kế đã lên tới 2.705,4 tỷ đồng. Giải pháp được các doanh nghiệp đề xuất vẫn là "kéo dài thời hạn vay và giảm lãi suất đối với các khoản vay ngân hàng thương mại, tiếp tục được vay vốn lưu động để duy trì đảm bảo sản xuất - kinh doanh, khoanh nợ để có thời gian phục hồi sản xuất…".

Theo các chuyên gia, nếu cứ nương theo "điệp khúc xin xỏ" của các doanh nghiệp để rồi các cơ quan chủ quản tiếp tục chạy theo níu kéo thì hậu quả sẽ ngày càng lớn, doanh nghiệp ngày càng sa lầy, trong khi vốn nhà nước không biết đến ngày nào có thể thu lại.

Bình luận xung quanh câu chuyện xin cho, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, bài học xương máu rút ra từ vụ việc 12 dự án thua lỗ là Nhà nước nên nhanh chóng thoái vốn khỏi các doanh nghiệp, không can thiệp để làm méo mó, sai lệch thị trường. Thậm chí, vị luật sư này còn thẳng thắn rằng, với những dự án nguy cấp kiểu này, nên mạnh dạn cho phá sản để sớm thu lại các tài sản của Nhà nước, giải phóng các nguồn lực, thay vì bị tắc nghẽn, lãng phí như hiện nay.

Xét trên góc độ vai trò của cơ quan quản lý, theo ông Đức, việc SMSC xin ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ còn đặt ra câu hỏi về năng lực xử lý của cơ quan này. SMCS đi lại ”vết xe đổ” cứ khó khăn lại xin hỗ trợ, cơ chế ưu tiên ưu đãi cho thấy, dường như cơ quan này chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả hơn để thu lại được đồng vốn nhà nước ở mức tối đa, chứ chưa nói tới việc tìm cách làm cho dòng vốn nhà nước sinh lời như kỳ vọng đặt ra khi thành lập.

“Siêu uỷ ban” đồng ý giao ACV đầu tư Dự án nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT cho biết là đồng ý đề xuất của Bộ GTVT về việc giao Tổng công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư