Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Số ca Covid-19 mới tăng mạnh tại Ấn Độ và Đông Nam Á
Mai Chi tổng hợp - 15/04/2023 11:45
 
WHO cho biết số ca nhiễm nCoV tăng 480% ở Ấn Độ và Đông Nam Á trong một tháng qua, kéo theo số người nhập viện tăng.

Hành khách đeo khẩu trang khi rời ga tàu tại Singapore. Ảnh: Reuters

Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh tại Ấn Độ và Đông Nam Á

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Ấn Độ và Đông Nam Á báo cáo hơn 80.000 ca mắc mới, trong đó 7 trên 11 quốc gia ghi nhận ca dương tính mới tăng từ 20% trở lên. Số ca tử vong được ghi nhận là 309, tăng 109%, cao nhất tại Ấn Độ (184). Thông tin được đưa ra ngày 14/4.

Số ca nhiễm tăng, kéo theo số người nhập viện tăng 0,2%, nhưng số điều trị trong khu hồi sức tích cực (ICU) giảm 7%.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên biến chủng XBB.1.5 được ghi nhận, theo kết quả giải trình tự gene virus của Sở Y tế TP HCM công bố.

Các quốc gia châu Á cho rằng, làn sóng Covid-19 mới xảy ra do những biến chủng phụ XBB, một phiên bản của Omicron có khả năng lây truyền cao, nhưng không gây triệu chứng nghiêm trọng.

Hầu hết dân số trong khu vực đã được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó. Chính phủ các nước cũng nhận định những đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ có thể xảy ra sau khi thế giới quyết định sống chung với căn bệnh này.

Một số nhà khoa học cho rằng số ca Covid-19 tại Ấn Độ tăng là dấu hiệu cho thấy virus đang chuyển dần sang trạng thái đặc hữu như cúm mùa. Các ca nhiễm tại nước này hiện nay có triệu chứng nhẹ, được điều trị ngoại trú. Bệnh nhân nhập viện đều là người già hoặc có bệnh nền. Các dấu hiệu tập trung ở đường hô hấp trên như đau họng, chảy nước mũi, sốt và đau nhức cơ thể.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết đất nước có mức độ miễn dịch cao, nghĩa là tình hình "vẫn được kiểm soát tốt", song ông kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4. Chính phủ Ấn Độ trong tuần này cũng yêu cầu các đơn vị y tế diễn tập ứng phó dịch bệnh. Một loạt bang ban hành trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.

Một số chuyên gia truyền nhiễm kêu gọi các nước không chủ quan, cần thận trọng theo dõi tình hình và giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virus thông qua giải trình tự gene. Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick, Anh, nói khi biến chủng mới phát sinh, các quốc gia cần tìm hiểu xem nó có khả năng lây nhiễm, gây bệnh, tử vong cao hơn không, cũng như điều gì sẽ xảy ra về mặt miễn dịch.

Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tiếp tục theo dõi sự biến đổi và xuất hiện của các chủng virus mới.

Chính phủ Australia ngừng cung cấp vaccine Covid AstraZeneca

Trước làn sóng gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và nhu cầu về vaccin cho các biến thể mới, Chính phủ Úc đã lặng lẽ rút lại sự chấp thuận đối với vaccine Vaxzevria AstraZeneca Covid-19 để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người dân. Vaccine này có liên quan đến tác dụng phụ hiếm gặp nhưng trầm trọng của huyết khối kèm giảm tiểu cầu (TTS) liên quan đến cục máu đông kết hợp với lượng tiểu cầu trong máu thấp.

Bộ Y tế liên bang đã cập nhật trang web của mình để thông báo rằng, vaccine do Đại học Oxford phát triển ở Vương quốc Anh “không còn được cung cấp dưới dạng vaccine đã được chấp thuận” kể từ cuối tháng 3/2023.

Có 8 trường hợp tử vong ở Australia được xác nhận là do TTS sau khi chích vaccine AstraZeneca, theo một báo cáo vào tháng 06/2022 của Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu (TGA), cơ quan quản lý vaccine và thuốc của chính phủ Úc.

AstraZeneca cũng không được khuyên dùng cho những người dưới 60 tuổi do nguy cơ đông máu ở những người trẻ tuổi sau khi dùng.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên đình chỉ và sau đó hủy bỏ việc khai triển vaccine AstraZeneca sau khi dữ liệu tiết lộ rằng, vaccine này không cung cấp đủ khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm ở những người trẻ tuổi.

Vào ngày 11/03/2021, Na Uy, Đan Mạch và Iceland tuyên bố rằng, họ sẽ tạm dừng hoàn toàn vaccine cho đến khi có thêm bằng chứng về các tác dụng phụ tiềm ẩn. 

Các quốc gia khác, bao gồm Romania, Ireland, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác, cũng áp dụng lệnh đình chỉ tạm thời đối với đợt [vaccine] này.

Trước ngày 07/04/2021, Ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm Âu Châu đã liệt kê các cục máu đông bất thường kèm theo lượng tiểu cầu trong máu thấp là một tác dụng phụ rất hiếm gặp của vaccine AstraZeneca.

Sau khi cập nhật về tác dụng phụ, Na Uy và Đan Mạch đã đình chỉ vaccine. Chính phủ Na Uy quyết định ngừng hoàn toàn việc sử dụng từ ngày 12/05 sau khi đánh giá rộng rãi hơn của ủy ban chuyên gia về tính an toàn của vaccine.

Ủy ban kết luận rằng, “nguy cơ tử vong sau chích vaccine AstraZeneca sẽ cao hơn nguy cơ tử vong so Covid-19, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.”

Bộ y tế Australia cho biết: “Đúng như dự đoán, các loại vaccine thế hệ đầu tiên đã được thay thế bằng các loại vaccine mới hơn nhắm vào các chủng virus hiện đang lưu hành”.

Chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát mạnh dịp lễ
Theo chuyên gia, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ tăng cao thời gian tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư