Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình: “Cánh tay” nối dài từ địa phương tới doanh nghiệp
Tùng Liên - 31/12/2018 09:20
 
Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình tham mưu đắc lực, giúp UBND tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều giải pháp góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư

Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình đã tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách điều hành phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Ninh Bình tiếp Đoàn Đại biểu cấp cao TP. Asan (Hàn Quốc) đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương.
UBND tỉnh Ninh Bình tiếp Đoàn Đại biểu cấp cao TP. Asan (Hàn Quốc) đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương.

Trong lĩnh vực quy hoạch, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện các quy định của pháp luật về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu. Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch Phát triển mạng lưới chợ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội huyện Kim Sơn và huyện Yên Mô đến năm 2025…

Trong lĩnh vực đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm về phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp; các dự án phục vụ mở rộng quy mô và phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Đối với các dự án ngoài ngân sách, Sở đã tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 22/5/2018, kiểm tra, rà soát 125 dự án chậm tiến độ để đánh giá tình hình hoạt động, nằm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, từ đó đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tháo gỡ hoặc thu hồi lại dự án để tạo mặt bằng thu hút các dự án có hiệu quả cao hơn.

Sở cũng tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh; tổ chức tiếp đón, hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Đoàn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Đoàn Đại biểu TP. Asan (Hàn Quốc), Đoàn Doanh nghiệp tỉnh Changwon (Hàn Quốc); UBND các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang; các tập đoàn: FLC, Vingroup… Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Đặc biệt, Sở đã tập trung chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn tín dụng và thủ tục pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai, đăng ký kinh doanh...

Những tín hiệu vui về phát triển kinh tế

Nhờ những chính sách quyết liệt và tích cực, năm 2018, kinh tế Ninh Bình tiếp tục duy trì được đà phát triển cao và đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế - xã hội. 

Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) ước đạt gần 36.893 tỷ đồng, tăng 9,27% so với năm 2017 và vượt kế hoạch 2018. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4,2 triệu đồng so với năm trước. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả cao.

Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,15%. Một số sản phẩm chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá (xe ô tô tăng hơn 2,4 lần, đạt 156,7% kế hoạch; quần, áo các loại tăng 9,2%; kính nổi tăng gấp 3,2 lần, linh kiện điện tử tăng 6,3%...).

Sản xuất nông nghiệp được mùa, có nhiều ứng dụng kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa sản xuất, triển khai có hiệu quả nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 héc-ta đất canh tác. Giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 120 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 115 triệu đồng/ha)

Dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Xuất khẩu có sự tăng trưởng vượt bậc cả về kim ngạch và thị trường. Bên cạnh những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, các mặt hàng công nghiệp chủ lực như xi măng, clinker, linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại đều đạt mức tăng trưởng cao. Nhiều dự án sản xuất giày dép đạt giá trị lớn, xuất khẩu ổn định. 

Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư tiếp tục được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ. Riêng 10 tháng của năm 2018, toàn tỉnh có 24 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 1.958 tỷ đồng (trong đó, có 2 dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 423,6 tỷ đồng; 3 dự án FDI với tổng vốn 40,9 triệu USD). 

Công tác cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục xếp thứ hạng cao ở các cấp, đơn vị. Chỉ số cải cách năm 2017 của tỉnh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2/9 tỉnh, thành phố trong Vùng Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành cải cách xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố; chỉ số về sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. 

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung các nguồn lực thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát, tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình sửa đổi và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Các chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019 của tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục được xây dựng và triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh trong các lĩnh vực công - nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ (nhất là công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử), dịch vụ.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để triển khai, đưa dự án đi vào hoạt động, góp phần quảng bá, thu hút các nhà đầu tư mới; kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, cố tình không thực hiện dự án để tạo quỹ đất kêu gọi các dự án đầu tư.

Giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư
Trong năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” và “một cửa liên thông gắn với chính quyền điện tử”.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình đã thực hiện niêm yết, công khai các quy hoạch, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở trên trang Thông tin điện tử và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; phấn đấu 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp theo nguyên tắc “công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”.
Hàng năm, Sở tiến hành rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, từ đó, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở đơn giản hóa, chuẩn hóa và thông nhất hóa về hồ sơ.
Trong năm 2018, Sở tiếp nhận và trả kết quả 5.521 hồ sơ đăng ký hoạt động doanh nghiệp, tăng
4,6 % so với năm 2017; tiếp nhận và trả kết quả 387 hồ sơ liên quan tới lĩnh vực đầu tư, tăng 8,4% so với năm 2017.
Xác định suất đầu tư cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa
Kết quả nghiên cứu 2 phân đoạn đầu của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đầu tư theo hình thức PPP, đều cho thấy tính khả thi cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư