Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
So sánh mức tăng học phí của Hà Nội và TP.HCM
D.Ngân - 11/10/2022 15:00
 
HĐND TP.HCM đã quyết định các mức học phí và chính sách hỗ trợ học phí năm học 2022-2023. Theo đó, học sinh sẽ đóng học phí bằng mức học phí đã áp dụng cách đây 2 năm.

TP. HCM: Học phí 100.000 đồng - 300.000 đồng một tháng

TP. HCM duyệt thu học phí 100.000 đồng - 300.000 đồng một tháng, tăng mạnh nhất gấp 5 lần với học sinh THCS ở thành thị, nhưng phần tăng sẽ được hỗ trợ.

HĐND TP.HCM đã quyết định các mức học phí và chính sách hỗ trợ học phí năm học 2022-2023.

Cụ thể, cấp học nhà trẻ, mẫu giáo là 300.000 đồng/tháng với nhóm 1; nhà trẻ nhóm 2 là 120.000 đồng, mẫu giáo nhóm 2 là 100.000 đồng; cấp THCS,THPT nhóm 1 là 300.000 đồng; THCS nhóm 2 là 100.000 đồng, cấp THPT nhóm 2 là 120.000 đồng. Còn cấp tiểu học thì không thu học phí.

Trong đó, nhóm 1 (thành thị) gồm TP. Thủ Đức và các quận tại TP. HCM. Nhóm 2 (nông thôn) là năm huyện còn lại, gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Như vậy, học phí bậc nhà trẻ, mẫu giáo nhóm 2 không tăng so với năm 2021, nhưng nhóm 1 tăng 1,5-1,9 lần. Ở bậc phổ thông, học phí cấp THCS ở khu vực thành thị tăng 5 lần, còn lại mức tăng khoảng 2-3 lần.

Đối với bậc mầm non, TP.HCM hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với các lớp nhà trẻ, 140.000 đồng/học sinh/tháng đối với lớp mẫu giáo.

So sánh mức học phí năm 2021 và năm học 2022 của TP.HCM

Đối với học sinh bậc THCS và học viên giáo dục thường xuyên bậc THCS, mức hỗ trợ học phí là 240.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh tại TP. Thủ Đức và học sinh quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; hỗ trợ 70.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh tại 5 huyện ngoại thành (gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ).

Đối với học sinh bậc THPT và học viên giáo dục thường xuyên cấp THPT, mức hỗ trợ học phí là 180.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh TP. Thủ Đức và học sinh quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với 5 huyện ngoại thành.

Với các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, thành phố không quy định mức học phí cụ thể mà đưa ra khung. 

Sau khi được HĐND thông qua, UBND sẽ quyết định mức học phí cụ thể cho từng cấp, đảm bảo nằm trong khung và tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục.

Hà Nội: Mức học phí dao động từ 50.000 - 300.000 đồng/tháng.

Cũng về vấn đề tăng học phí, HĐND TP. Hà Nội vừa ra nghị quyết mức học phí mới, theo đó, tùy theo vùng và cấp học, mức học phí dao động từ 50.000 - 300.000 đồng/tháng.

Trước đó, học phí năm 2021 - 2022 với nhà trẻ, mẫu giáo (không gồm trẻ 5 tuổi) và THPT lần lượt là 217.000 đồng, 95.000 đồng và 24.000 đồng/tháng, tương ứng với ba khu vực thành thị, nông thôn và các xã miền núi. Ba mức thu với trẻ mầm non 5 tuổi, THCS là 155.000 đồng, 75.000 đồng và 19.000 đồng mỗi tháng.

Dù mức học phí một số vùng tăng gấp đôi so với năm học 2021 - 2022, tuy nhiên chính quyền Thành phố sẽ bù phần chênh lệch của học phí năm nay so với năm ngoái, tương đương hơn 520 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022 - 2023, phần hỗ trợ này khoảng 600 tỷ đồng.

Từ năm học 2023-2024 đến 2025-2026, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng không tăng, mức học phí vừa được thông qua hôm nay sẽ tiếp tục được duy trì. 

Nếu điều chỉnh học phí, HĐND yêu cầu thành phố căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân để quyết định mức học phí cụ thể, nhưng không quá 7,5%/năm và không vượt trần theo quy định của Nghị định 81.

Tổng ngân sách Thành phố hỗ trợ năm học 2022 - 2023 khoảng 1.133 tỷ đồng.

Hà Nội cũng xây dựng cơ chế miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông xã miền núi. Các em thuộc diện chính sách, khó khăn vẫn được miễn giảm theo quy định.

Nếu học trực tuyến, các trường thu 75% mức học phí đã được ban hành, không áp dụng với cấp mầm non bởi trẻ mầm non không học trực tuyến.

Nếu trẻ mầm non học ít hơn 14 ngày trong một tháng, chỉ cần nộp một nửa học phí so với quy định; học trên 14 ngày phải nộp đủ học phí cả tháng.

Với bậc phổ thông, nếu luân chuyển học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức nào được áp dụng từ 14 ngày trở lên thì thu học phí theo hình thức đó. Tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9.

Tăng nguồn thu bằng cách tăng học phí, nên chăng?
Nếu không có cơ chế để mở rộng các nguồn thu khác thì khi tự chủ đại học, gánh nặng học phí sẽ đè lên vai của sinh viên, phụ huynh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư