Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Soi hồ sơ xin bay của Bamboo Airways
Anh Minh (Báo Đầu tư) - 06/08/2018 08:01
 
Trong trường hợp được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Airways phải thực hiện đúng chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển 5 năm 2019 - 2023 đã đăng ký trong hồ sơ xin cấp phép.

Đội bay đi thuê

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đang đứng trước cơ hội rất lớn để sớm nhận được Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không ngay trong tháng 8/2018.

Vào cuối tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kết quả thẩm định Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Bamboo Airways. Theo đó, cơ quan thẩm định đánh giá Bamboo Airways có phương án đảm bảo có tàu bay khai thác đáp ứng các yêu cầu của Điều 6, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và có tính khả thi.

.
.

Cụ thể, hãng này dự kiến khai thác 3 tàu bay Airbus A320/321 với hình thức thuê khô (chỉ thuê máy bay, tự tổ chức đội bay, tiếp viên). Số lượng tàu bay này có thể nới thêm đến 10 chiếc trong giai đoạn 2019 - 2023, tương thích với quy mô vốn điều lệ 700 tỷ đồng mà Bamboo Airways đăng ký với nhà chức trách.

Mặc dù tuyên bố đã ký hợp đồng thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Tập đoàn Airbus có tổng giá trị theo niêm yết là 3,108 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ (14/6/2018), Bamboo Airways mới chỉ có thỏa thuận với CDB Aviation Lease Finance (Hồng Kông) về việc thuê khô 3 tàu bay A320 mới với thời hạn 8 năm.

Hãng hàng không tự nhận là cung cấp dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn 5 sao với giá cạnh tranh này cũng đã có biên bản ghi nhớ về việc cung cấp dịch vụ mặt đất, kiểm tra an ninh, dịch vụ sân đỗ, vị trí đỗ tàu bay qua đêm lại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phù Cát, Đồng Hới, Thọ Xuân, Cát Bi với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Điều trớ trêu là, dù xác định Vietnam Airlines là một trong những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhưng Bamboo Airways cho biết sẽ sử dụng hai dịch vụ mặt đất quan trọng bậc nhất là bảo dưỡng tàu bay, bảo dưỡng động cơ với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) và cung cấp nhiên liệu tại các sân bay với Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không (SKYPEC). Cả VAECO và SKYPEC đều là công ty TNHH MTV do Vietnam Airlines góp 100% vốn. Việc không chủ động được các dịch vụ bảo dưỡng, hậu cần, đại lý bán vé… chắc chắn sẽ khiến Bamboo Airways bị động trong quá trình hoạt động.

Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết thêm, Bamboo Airways đã xuất trình được bản chính giấy xác nhận phong tỏa tài khoản thanh toán (văn bản xác nhận vốn) ngày 29/5/2018 của Ngân hàng TMCP Quốc dân với số tiền 700 tỷ đồng.

“Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Bamboo Airways đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Ẩn số khó lường

Trong trường hợp được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Airway vẫn cần phải đạt thêm một thủ tục quan trọng nữa là được cấp AOC (Aircraft Operator Certificate) mới có thể bắt đầu bay.

AOC là chứng chỉ nhà khai thác máy bay được nhà chức trách hàng không phê chuẩn cho phép nhà khai thác đó được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ cho phép. Hiệu lực của AOC tùy thuộc vào nhà chức trách hàng không. Các điều kiện đặt ra cho việc cấp chứng chỉ AOC là: nhà khai thác phải có máy bay để khai thác, phải thỏa mãn những yêu cầu về an toàn, tính khả thi, có trụ sở, văn phòng và nhất là phải không có AOC của nhà chức trách khác.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp vào ngày 31/5/2017 và Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cấp thay đổi lần 2 vào ngày 1/8/2017 với số vốn điều lệ là 700 tỷ đồng. Chủ sở hữu duy nhất của Tre Việt là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

“Để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ ra công chúng, Bamboo Airways cần phải có AOC và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn bay, an ninh, chất lượng dịch vụ”, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra khuyến nghị.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là đã khuyến cáo Bamboo Airways thực hiện đúng chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển 5 năm cho giai đoạn 2019 - 2023 đã đăng ký trong hồ sơ xin cấp phép để đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn bay, an ninh, chất lượng dịch vụ cũng như không gây áp lực lên hạ tầng cảng hàng không, năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách.

Cần phải nói thêm rằng, việc Bamboo Airways thỏa thuận mua 20 chiếc Boeing 787-9 với Boeing và trước đó đặt mua 24 tàu bay A321NEO với Airbus là nằm ngoài chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như hồ sơ xin cấp phép, xét cả về quy mô và số lượng tàu bay. Bên cạnh đó, do Bamboo Airways chọn Phù Cát làm sân bay căn cứ, nên nếu sân bay này không được nâng cấp trước năm 2021 để đón/nhận đội tàu bay Boeing 787-9, Bamboo Airways sẽ phải “gửi” máy bay đỗ qua đêm tại các cảng hàng không khác có đủ năng lực tiếp nhận. Điều này cũng đi ngược với đề xuất của chính Bamboo Airways trong Dự án đầu tư.

“Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát chặt chẽ quy trình xin cấp AOC của Bamboo Airways cũng như việc thực hiện đúng quy định của Luật Hàng không dân dụng về việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không”, ông Cường khẳng định.

Thấy gì qua cam kết đặt mua 20 tàu bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways
Việc ký thỏa thuận đặt mua 20 tàu bay Boeing 787 – 9 là nằm ngoài Dự án vận tải hàng không Tre Việt của Công ty TNHH hàng không Tre Việt (Bamboo Airways)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư