Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 30 tháng 10 năm 2024,
Sơn La đầu tư mạnh cho chế biến nông sản
Quang Hưng - 07/10/2020 16:39
 
Sơn La đang có những bước đi bài bản để nâng cao giá trị nông sản, đưa sản phẩm đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Với sự có mặt của các dự án chế biến sâu cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Sơn La đang có những bước đi bài bản để nâng cao giá trị nông sản, đưa sản phẩm đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Chế biến nông sản tại Nhà máy Chế biến hoa quả của Tập đoàn TH.
Chế biến nông sản tại Nhà máy Chế biến hoa quả của Tập đoàn TH.

Bước đi bài bản

Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vừa khởi công xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La tại xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) với quy mô hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Đây là cơ sở thứ 3 và là một trong những dự án lớn của doanh nghiệp này tại Sơn La.

Theo ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Sơn La là vùng đất giàu tiềm năng và triển vọng, phù hợp cho sự phát triển đa dạng các loại cây quả ăn quả, rau và nhiều loại cây trồng mà rất ít địa phương ở phía Bắc có được. Sau thời gian đầu tư vào vùng nguyên liệu, Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La có diện tích gần 9 ha đã được khởi công với mục tiêu xây dựng trung tâm chế biến rau quả khép kín, từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu, đến chế biến tinh, chế biến sâu, trên cơ sở đó, phát triển hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy, trang bị thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. Đó là nhà máy chế biến nước quả cô đặc, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ và thiết bị của Tropical Food (Italia); nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, sử dụng công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; nhà máy chế biến rau quả, rau đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, sử dụng công nghệ, thiết bị của Italia và Đức.

Mỗi dây chuyền sản xuất có thể chế biến được hầu hết các loại nguyên liệu rau quả sẵn có ở Sơn La. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành tháng 12/2021, Dự kiến, khi đi vào hoạt động, mỗi năm, các nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn sản phẩm rau, quả các loại như chanh dây, xoài, dứa, chuối, bơ, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương và nhiều các loại rau, quả khác của tỉnh Sơn La.

Trước đó, cuối tháng 9/2020, tại huyện Vân Hồ, Tập đoàn TH đã khánh thành Nhà máy Chế biến hoa quả với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, công suất 300 tấn hoa quả/ngày đêm. Dự án này khởi công tháng 1/2018, đã đi vào sản xuất giai đoạn I (2020 - 2025), tập trung chế biến các loại quả như nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau, củ, quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.

Tạo bước đột phá

Tỉnh Sơn La nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, có hai cao nguyên Nà Sản và Mộc Châu, trong lưu vực của sông Đà và sông Mã. Đây là vùng đất có đặc điểm khí hậu cận ôn đới, đất peralit trên nền đá vôi, hàm lượng mùn cao, thích hợp trồng cây ăn quả.

Từ lợi thế đó, Sơn La đã kiên trì chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chọn bộ giống tốt, thực hiện lai tạo, ghép cải tạo vườn tạp để hình thành nên các vùng trồng cây ăn quả có giá trị cao.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến cuối đến năm 2019, diện tích trồng cây ăn quả tại Sơn La đạt 62.734 ha, sản lượng đạt 401.257 tấn, tăng 4,05 lần so với năm 2015 (trước khi chuyển đổi). Chỉ riêng diện tích cây nhãn đạt 15.090 ha, gấp hơn 3 lần vùng nhãn của tỉnh Hưng Yên. Từ một tỉnh không có nông sản xuất khẩu, năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt 115 triệu USD; sản phẩm được xuất sang 12 nước, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Australia, UAE…

“Sơn La đã quan tâm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm rau, hoa quả tới tất cả trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh. Đến nay, đã có gần 70 chuỗi cung cấp hoa quả của Sơn La kết nối với các chợ đầu mối tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Việc chuyển dịch diện tích trồng ngô và các cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đã biến Sơn La thành địa phương trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc”, ông Đông cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sơn La cần đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng phải biến thành hành lang kinh tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Sơn La cần đầu tư hạ tầng giao thông để phá thế độc đạo, rút ngắn khoảng cách, nhưng đừng nghĩ đó chỉ là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư