Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
CEO Dutycast Nguyễn Lê Hoa: Sử dụng giải pháp công nghệ để chinh phục thị trường xuất khẩu
Lam Phong - 26/12/2024 15:01
 
Theo bà Nguyễn Lê Hoa, CEO Dutycast - doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ với sản phẩm trợ lý thông minh cho thương mại quốc tế, Việt Nam đang ở thời điểm “Olympic moment” - một bước nhảy vọt về kinh tế chưa từng có.
Bà Nguyễn Lê Hoa, CEO Dutycast
Bà Nguyễn Lê Hoa, CEO Dutycast

Năm 2024 đã chứng kiến sự hồi phục tích cực của xuất khẩu, là điểm sáng của nền kinh tế, vậy bà có nhận định như thế nào về hoạt động xuất khẩu trong năm tới?

Năm 2025, mặc dù thương mại toàn cầu có thể đối mặt với nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Có những tín hiệu tích cực đáng chú ý như theo nghiên cứu từ Đại học Harvard, tỷ lệ hàng hóa từ Trung Quốc tái xuất qua Việt Nam sang Mỹ chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Con số này cho thấy rủi ro Việt Nam bị áp thuế cao từ Mỹ là không lớn.

Việt Nam đang được nhiều quốc gia nhận định là thị trường quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Canada đang mở các cơ quan tín dụng mới tại Việt Nam, và NVIDIA đã đặt trung tâm R&D tại Việt Nam - những động thái này cho thấy niềm tin của các đối tác quốc tế.

Bên cạnh đó, năm 2024, sau hơn 1 năm đàm phán, Việt Nam và UAE đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA), nâng tổng số FTA của Việt Nam đã ký kết và đàm phán lên 19 FTA; mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập. Qua đó, mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta vào thị trường Halal - một thị trường rất rộng lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho những thay đổi lớn, đặc biệt là từ thị trường EU với các yêu cầu mới về báo cáo khí hậu và quy trình sản xuất. Có thể sẽ có giai đoạn tăng trưởng chậm lại để điều chỉnh, nhưng với khả năng thích ứng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, như chúng ta đã thấy trong thập kỷ qua, tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng xuất khẩu và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các dự báo cho thấy thị trường xuất khẩu sẽ chịu nhiều biến động trong thời gian tới, nhất là những thay đổi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Bà có thể chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang và sẽ gặp phải?

Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp trong bối cảnh thương mại toàn cầu có những biến động mạnh. 

Đầu tiên là sự thay đổi liên tục về chính sách thương mại tại các thị trường lớn. Ví dụ việc Mỹ đang cân nhắc áp thuế lên tới 60% với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt gần 98,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này cho thấy Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến sản xuất thay thế, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và quy tắc xuất xứ.

Tiếp đến là rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe từ thị trường EU, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 36,2 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ về hạn ngạch thuế quan, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm mà còn cả quy định về môi trường và phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn này.

Qua kinh nghiệm làm việc với nhiều doanh nghiệp, tôi nhận ra một thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải là việc cập nhật và tuân thủ các quy định thay đổi liên tục. Thông thường những doanh nghiệp mất 3-6 tháng chỉ để hoàn thiện bộ hồ sơ xuất khẩu, nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối vì không đáp ứng đủ yêu cầu mới nhất gây tổn thất không nhỏ về thời gian và chi phí.

Vậy đâu là những giải pháp mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để vượt qua khó khăn trước sự phức tạp và đa dạng của hệ thống các quy chuẩn khi xuất khẩu hàng hoá?

Bên cạnh việc tìm hiểu cặn kẽ thị trường, doanh nghiệp có thể tìm tới các nhà tư vấn, hoặc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu.

Chẳng hạn, tại Dutycast, chúng tôi tập trung vào việc ứng dụng công nghệ AI để tự động hóa và số hóa quy trình tuân thủ thương mại. Các giải pháp của chúng tôi giúp doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật và tuân thủ các quy định thay đổi liên tục, từ đó giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa quy trình xuất khẩu.

Công nghệ AI của Dutycast hỗ trợ doanh nghiệp qua ba bước chính: Thứ nhất, tự động hóa phân loại mã HS và phân tích quy tắc xuất xứ: Ví dụ, đối với một sản phẩm nông sản xuất khẩu sang EU, hệ thống sẽ tự động xác định mã HS phù hợp, tính toán ưu đãi thuế quan và đưa ra lộ trình tuân thủ cụ thể.

Thứ hai, hệ thống tư vấn về qui định và giấy tờ xuất nhập khẩu: Chúng tôi thu thập và xử lý dữ liệu từ các nguồn chính thống, biến các quy định phức tạp thành quy trình thực tế dễ thực hiện.

Thứ ba, cập nhật tự động và cảnh báo thay đổi: Hệ thống của chúng tôi sẽ tự động cập nhật các tiêu chuẩn và đưa ra cảnh báo kịp thời về những thay đổi trong quy định, giúp doanh nghiệp chuẩn bị và điều chỉnh kịp thời.

Ví dụ điển hình về xuất khẩu nông sản sang EU: Một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống của chúng tôi sẽ tự động cập nhật các tiêu chuẩn này, đưa ra cảnh báo kịp thời về những thay đổi và hướng dẫn doanh nghiệp quy trình tuân thủ theo từng mùa vụ.

Vậy Dutycast đang đầu tư như thế nào cho công nghệ?

Chúng tôi đã xây dựng hệ thống để có thể xử lý dữ liệu lớn từ nhiều nguồn và theo dõi cập nhật theo thời gian thực. Đồng thời, chúng tôi đang phát triển một loạt quy trình làm việc nhằm giải quyết các nhiệm vụ pháp lý quan trọng đối với cố vấn thương mại, tận dụng nhiều mô hình AI để giải quyết các vấn đề phức tạp của thương mại quốc tế.

Hiện tại, chúng tôi có hai công cụ chính: Công cụ phân tích FTA để hiểu các yêu cầu về miễn thuế và cách áp dụng tiêu chí tính thuế và Công cụ lập bản đồ yêu cầu hồ sơ (documentation mapping) giúp đảm bảo doanh nghiệp không bỏ sót thông tin quan trọng.

Chúng tôi cũng đang phát triển AI agent tư vấn để xác định tính đủ điều kiện xuất xứ của sản phẩm. Đây là công cụ đặc biệt hữu ích với các sản phẩm có nhiều linh kiện hoặc nguyên liệu đầu vào, dựa trên các tiền lệ và quyết định trước đây để đưa ra gợi ý phù hợp.

Chúng tôi rất may mắn khi nhận được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư chiến lược. Năm 2022, Vinacapital Ventures đã đầu tư vào Dutycast, và gần đây chúng tôi đã có thêm GTR Ventures. Việc GTR Ventures tham gia đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chúng tôi vì họ là một công ty tài chính có chuyên môn sâu về thương mại và chuỗi cung ứng, với trụ sở tại Singapore và Anh Quốc.

Điều quan trọng không chỉ là nguồn vốn mà còn là mạng lưới rộng lớn mà GTR Ventures mang lại - với hơn 60.000 chuyên gia và nhà đầu tư trong ngành thương mại tài chính và ngân hàng, trải dài trên 20 thành phố từ New York, London đến Singapore. Mạng lưới này giúp chúng tôi tiếp cận được với những xu hướng mới nhất và hiểu sâu hơn về nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Đâu là mục tiêu của Dutycast năm 2025?

Mục tiêu của Dutycast trong năm 2025 được định hình từ một nhận định quan trọng: Việt Nam đang ở thời điểm 'Olympic moment' - một bước nhảy vọt về kinh tế chưa từng có. Giống như một vận động viên đã tập luyện nhiều năm và đang ở thời điểm quyết định, Việt Nam đã tích lũy đủ nền tảng và đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Và công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nắm bắt những cơ hội này.

Tầm nhìn của Dutycast không chỉ muốn giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản về tuân thủ thương mại mà còn biến nó thành lợi thế cạnh tranh vươn mình ra thị trường quốc tế. Chúng tôi đang phát triển các công cụ công nghệ tiên tiến để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí thông qua việc tận dụng triệt để các ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do. Với đội ngũ chuyên gia quốc tế và kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển, chúng tôi muốn chuyển giao những giá trị và thực tiễn tốt nhất về Việt Nam. 

Trong thời điểm bước ngoặt này của nền kinh tế, chúng tôi tin rằng khi doanh nghiệp Việt Nam được trang bị đầy đủ công cụ công nghệ và kiến thức về tuân thủ thương mại quốc tế, họ sẽ tự tin hơn trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu, thay vì chỉ dừng lại ở vai trò gia công hay sản xuất theo đơn đặt hàng.

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2025 được dự báo tiếp đà tăng trưởng
Năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư